Bài 4: Chủ đích của Giáo lý
Chủ đích của Giáo lý
Trong Tông huấn “Dạy Giáo lý”, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã
viết: “Mục đích tối hậu của khoa dạy Giáo lý là làm cho con người không những
tiếp xúc nhưng còn thông hiệp mật thiết với Đức Giêsu Kitô: chỉ một mình Người
có thể đưa ta đến tình yêu của Chúa Cha trong Thần Khí và làm cho ta tham dự
vào đời sống của Thiên Chúa Ba Ngôi Chí Thánh” (số 5).
I. GIÁO DỤC ĐỨC TIN
Giáo Lý nhằm chủ đích tối hậu là giáo dục con người hoàn thiện
về mặt đức tin. Muốn đạt tới chủ đích đó cần vận dụng và khai thác hết mọi cơ
năng chủ yếu: trí tuệ, tình cảm, ý chí hoạt động. Công cuộc giáo dục đức tin có
nhiều mức độ:
1. Truyền thông kiến thức tôn giáo
Học, hiểu và nhớ giáo lý rất cần thiết cho việc sống đạo. Thật
vậy, đời sống tôn giáo của mỗi người tuỳ thuộc vào khả năng và nhận thức của
họ.
Tuy nhiên, việc đào tạo đức tin không thể dừng lại ở nhận thức
này, giáo lý không phải chỉ là một môn học nhằm đào tạo trí tuệ, truyền thông
kiến thức, đưa tới một nhận thức lý thuyết không liên quan tới đời sống. Thực
ra, nhận thức mới chỉ là bước đầu. Công cuộc giáo dục đức tin còn cần tiến xa
hơn nữa.
2. Biến cải bản thân (luân lý)
Nếu chỉ có nhận thức không thôi thì chưa đủ, mà học thì phải đi
đôi với hành. Nên nhận thức mới thì phải đưa tới thái độ mới.
Giáo lý Kitô giáo không phải chỉ là một mớ lý thuyết, học
để biết; nhưng còn tạo nên nơi mỗi tín hữu một nếp sống mới.
3. Đưa vào đời sống mới của Chúa Giêsu
Thay đổi thái độ bên ngoài chưa đủ. Kitô giáo cũng không phải là
một thứ luân lý tự nhiên dạy ăn ngay ở lành, nhưng là tạo điều kiện cho con
người được hiệp thông cùng Thiên Chúa.
Giáo lý phải đưa con người vào thế giới của ân sủng, kết hợp với
Chúa Kitô, sống trong Ngài, bởi Ngài mỗi ngày một thâm sâu hơn.
II. CHIỀU KÍCH THIẾT YẾU CỦA ĐỨC TIN KITÔ GIÁO
Đức tin của người tín hữu ngày nay phải hội đủ những điều kiện
sau đây:
1. Đức tin có nội dung vững chắc
Đức tin Kitô giáo không phải chỉ là một thứ tình cảm mơ hồ, hoặc
một thái độ dị đoan hay cuồng tín. Đức tin đó phải có nội dung phong phú dựa
trên Mạc khải của Thiên Chúa, đặc biệt là trên con người và giáo huấn của Chúa
Kitô.
Nội dung của đức tin chính là mầu nhiệm, ý định và chân lý của
Thiên Chúa. Tin là chấp nhận và đi theo đường lối đó.
Đức tin của tín hữu phải vững chắc và sáng suốt theo gương mẫu
của Thánh Phaolô “Tôi biết tôi tin vào ai?” (2Tm 1,12).
2. Đức tin dấn thân
Biết chân lý phải đưa tới sống chân lý. Dấn thân là biến chân lý
thành sống đạo, và để cho chân lý biến đổi bản thân mình.
Kitô giáo không phải là một lý thuyết, nhưng là hiệp thông vào
đời sống thần linh của chính Thiên Chúa. Tin không phải chỉ là chấp nhận bằng
lý trí, nhưng còn là chấp nhận mọi hậu quả mà chân lý đòi hỏi trong đời sống,
như Abraham đã bỏ tất cả để đi theo Thiên Chúa và hoàn toàn phó thác đời sống
trong tay Ngài.
3. Đức tin cộng đồng
Mỗi tín hữu là một thành viên của dân Thiên Chúa. Đức tin không
phải là việc riêng rẽ của từng cá nhân đối với Thiên Chúa, nhưng có tính cách
cộng đồng. Người tín hữu lãnh nhận đức tin từ một cộng đồng, tham dự và lớn lên
trong đức tin của một cộng đồng. Cộng đồng đó là Giáo hội. Vì thế trong Giáo
hội, mỗi người phải liên đới và chịu trách nhiệm về đức tin của mọi anh em
khác.
4. Đức tin phục vụ
Sự liên đới trong đức tin tạo nên nơi tín hữu một trách nhiệm
đối với anh em mình, trong cũng như ngoài Giáo hội. Do đó, người tín hữu phải
bày tỏ đức tin, làm chứng cho Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh, như “ánh sáng
trần gian” và “men trong bột”. Như vậy là sống ơn Thêm sức và thi hành sứ vụ
tiên tri giữa đời. Tuy nhiên, nhiệt tâm phải hoà nhịp với lòng khiêm tốn, cởi
mở và tôn trọng tự do mỗi người.
III. KIỂM ĐIỂM THỰC HÀNH
Một khi đã xác định chủ đích của giáo lý, chúng ta dễ phát hiện
những sai lầm hoặc khiếm khuyết cần cải tiến trong lãnh vực giáo lý.
1. Giáo lý từ chương
Giáo lý từ chương là chỉ học thuộc lòng cách máy móc một số công
thức trừu tượng mượn trong thần học. Nó có thể tạo nên một ấn tượng an toàn nào
đó về mặt tôn giáo, nhưng chính ấn tượng giả tạo này gây trở ngại cho công cuộc
giáo dục đức tin. Giáo lý từ chương ngưng lại ở mức độ thứ nhất (nhận thức).
2. Khuynh hướng vụ luân lý
Vụ luân lý là ngưng lại một số quy luật, cấm đoán, hình thức bên
ngoài của tôn giáo mà không dẫn sâu vào mầu nhiệm Kitô giáo. Mầu nhiệm này là
nền tảng của luân lý.
Luân lý không thể thay thế được giáo lý. Luân lý cần thiết nhưng
phải phát xuất từ giáo lý và đặt nền tảng trên giáo lý mới vững chắc. Luân lý
là hệ luận của giáo lý.
3. Giáo lý cấp tốc
Vì nhằm giáo dục đức tin, nên giáo lý là một công cuộc dài hạn.
Học thuộc lòng dăm ba câu kinh bổn có thể là xong trong vòng vài ba tuần, nhưng
thấm nhuần tinh thần Chúa Kitô để biến đổi đời sống phải có thời gian, và phải
kéo dài suốt đời. Hơn nữa, giáo lý không chỉ nhằm mục đích duy nhất là chuẩn bị
lãnh nhận các Bí tích, nhưng còn là một công cuộc giáo dục đức tin thường xuyên
và liên tục kéo dài suốt đời người kitô hữu.
IV. NHỮNG MỤC TIÊU CỤ THỂ
1. Một giáo lý vui tươi
Trình bày sự điệp của Chúa Kitô như một Tin mừng giải thoát làm
hứng khởi lòng người, vì đáp ứng những ước vọng sâu xa, thầm kín, chân chính
nhất. Trong viễn tượng ấy, mỗi giáo lý viên phải là một chứng nhân của niềm vui
và của Tin mừng.
2. Một giáo lý đào tạo những kitô hữu trưởng thành
Nó tạo nên một cái nhìn đức tin sáng suốt và sâu sắc, đủ khả
năng thích ứng để đứng vững trong mọi hoàn cảnh.
3. Một giáo lý đào tạo những kitô hữu quân bình và toàn diện
Nó giúp tín hữu biết nhận định các giá trị, biết đón nhận mọi
giá trị nhân bản chân chính và quy hướng chúng về Thiên Chúa.
4. Một giáo lý đào tạo những kitô hữu sẵn sàng phục vụ
Để giúp kitô hữu sẵn sàng phục vụ trong gia đình, trong Giáo
hội, trong xã hội. Sống ơn Thêm sức qua lòng trung tín với tác động của Thánh
Thần.
Tóm lại, nếu tạo được một nền giáo lý thích hợp như trên, chắc
chắn đời sống tôn giáo của các cộng đoàn kitô hữu sẽ thay đổi mau chóng.
NGUỒN : http://thieunhithanhthevn.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét