Bài 13: Cầu nguyện trong bài Giáo lý
Cầu nguyện trong bài Giáo
lý
I - MỤC ĐÍCH
Dạy giáo lý là truyền đạt đức tin, truyền thông sự sống. Chỉ có
Thiên Chúa mới có thể ban đức tin và sự sống. Nên mục đích của việc dạy giáo lý
là giúp các học viên gặp gỡ và kết hợp với Chúa. Có thể nói, cả giờ giáo lý là
một cuộc gặp gỡ Chúa. Cao điểm của việc gặp gỡ Thiên Chúa là giây phút cầu
nguyện. Cầu nguyện vừa là phương thế giúp các học viên gặp gỡ Thiên Chúa trong
suốt giờ học giáo lý, vừa là cao điểm của giờ giáo lý. Do đó, cầu nguyện có một
vai trò hết sức quan trọng trong giờ học giáo lý.
Trong diễn tiến một giờ dạy giáo lý, có 3 lần cầu nguyện: cầu
nguyện đầu giờ, cầu nguyện giữa giờ và cầu nguyện cuối giờ. Mỗi phần cầu nguyện
đều có ý hướng, nội dung khác nhau. Dưới đây chúng ta sẽ tìm hiểu từng phần cầu
nguyện.
II – CÁC PHẦN CẦU NGUYỆN
1. Cầu nguyện đầu giờ
Cầu nguyện đầu giờ có mục đích giúp các học viên đi vào cuộc gặp
gỡ với Chúa trong giờ học giáo lý, và xin Chúa soi sáng cho mình trong giờ học
giáo lý bằng cách:
- Đặt các học viên trước sự hiện diện của Chúa.
- Giúp các học viên nhận ra giờ học giáo lý chính là thời gian
đến với Chúa để học cùng Chúa.
- Xin Chúa thánh hoá giờ học giáo lý.
2. Cầu nguyện giữa giờ
Cầu nguyện giữa giờ là đỉnh cao của giờ học giáo lý. Lý do là
sau khi các học viên đã nghe Chúa nói qua việc công bố Lời Chúa, đã hiểu Lời
Chúa qua phần giải thích Lời Chúa, đã tiếp nhận lời mời gọi của Chúa với tất cả
tâm tình, các học viên hẳn có nhiều điều muốn nói với Chúa, muốn đi vào cuộc
đối thoại trang nghiêm thân tình với Chúa.
3. Cầu nguyện cuối giờ
Cầu nguyện cuối giờ có hai mục đích:
- Cảm ơn Chúa vì Chúa đã soi sáng trong giờ học vừa xong.
- Xin Chúa giúp các học viên sống điều quyết tâm đã chọn.
Nếu như phần cầu nguyện đầu giờ giúp các học viên từ cuộc
sống bước vào cuộc gặp gỡ với Chúa trong giờ học giáo lý, thì phần cầu nguyện
cuối giờ hướng các học viên đến một cuộc gặp gỡ khác với Chúa qua việc sống Lời
Chúa trong đời thường. Nhờ đó, toàn bộ cuộc sống các học viên sẽ là lời cầu
nguyện liên lỉ.
III – CÁCH THỨC CẦU NGUYỆN
Để các giây phút cầu nguyện trong giờ giáo lý không trở thành
những thói quen không hồn, tránh được sự nhàm chán… Chúng ta cần lưu ý tới
những điểm sau đây:
1. Thái độ khi cầu nguyện
Khi giúp các học viên cầu nguyện, chúng ta giúp các học viên xác
định vị trí của mình đối với Chúa.
a. Thái độ thụ tạo: mọi sự, kể cả bản thân ta, đều do Chúa tác
tạo, yêu thương, nên thái độ phải có là tôn thờ, ca tụng, biết ơn Chúa.
b. Thái độ người con: nhờ Chúa Giêsu, ta được trở nên con Thiên
Chúa. Tâm tình của người con là yêu mến, kính trọng, vâng phục, phó thác vào
Cha như tâm tình của Chúa Giêsu.
c. Thái độ tội nhân: tin vào Thiên Chúa là Cha, Đấng giầu lòng
thương xót, nhân từ, ta hãy khiêm tốn xin ơn tha thứ.
Để sống các thái độ này, khi cầu nguyện ta cần có tâm tình: thờ
lạy, cám ơn, xin lỗi và xin ơn.
2. Điều kiện để cầu nguyện
a. Đặt mình trước sự hiện diện của Chúa: cầu nguyện là gặp gỡ,
nói chuyện với Chúa, nên cần ý thức sự hiện diện của Chúa.
b. Có gì để nói với Chúa: cầu nguyện không phải là đọc vài kinh
hay hát một bài cho xong, nhưng cần có vài điều riêng tư trong lòng để nói với
Chúa: chúc tụng, cám ơn, xin lỗi, xin ơn.
c. Lắng nghe tiếng Chúa nói, đây là điều thường bị “bỏ quên”.
Cầu nguyện còn là lắng nghe Chúa nói nữa. Chúa nói với ta qua lương tâm, những
câu Thánh Kinh …
3. Cách thức diễn tả tâm tình khi cầu nguyện
a. Cử điệu: Khi giúp các học viên cầu nguyện, giáo lý viên nên
tùy theo nội dung, để có những cử chỉ thích hợp diễn tả tâm tình của các
học viên, cũng tạo sự nghiêm trang, hiệu quả khi cầu nguyện.
- Bái gối-cúi mình: có ý nghĩa chúng con thật nhỏ bé trước Thiên
Chúa cao cả.
- Trong lúc cầu nguyện:
+ Nâng hai tay lên: khẩn khoản nài xin.
+ Nhắm mắt: chú trọng đến Đấng vô hình không thể nhìn thấy bằng
đôi mắt thể xác.
+ Im lặng: lắng nghe tiếng Chúa thôi thúc trong tâm hồn.
+ Chắp tay: Chúa ban cho con tất cả, này toàn thân con hướng về
Chúa.
b. Lời nói: nên dựa vào những câu Kinh Thánh hoặc phụng vụ để dọn
lời cầu nguyện, vì khi cầu nguyện cần có ơn Chúa Thánh Thần. Nếu không có Thánh
Thần dạy dỗ và gợi cảm hứng, chúng ta không thể thưa với Thiên Chúa một điều gì
có ý nghĩa. Chính Chúa Thánh Thần đã dùng Thánh Kinh và Phụng vụ dạy ta thưa
chuyện với Chúa.
4. Các hình thức cầu nguyện trong giờ giáo lý
a. Lặp lại to tiếng lời cầu nguyện: giáo lý viên đọc lớn từng
câu ngắn, các em lặp lại to tiếng. Hình thức này thích hợp với các em từ 7-8
tuổi.
b. Lặp lại thầm lời cầu nguyện: giáo lý viên đọc lớn từng câu ngắn,
các em lặp lại thầm câu đó. Đây là cách tập cho các em nội tâm hoá lời cầu
nguyện. Hình thức này hợp hơn với các em 9-12 tuổi.
c. Học viên âm thầm cầu nguyện theo lời nguyện của giáo lý viên:
giáo lý viên chậm rãi đọc lời cầu nguyện, các em âm thầm cầu nguyện theo, các
em cùng thưa “Amen” khi kết thúc lời nguyện. Hình thức này thích hợp với các em
9-18 tuổi .
d. Đọc một kinh hay hát một bài hát thích hợp với nội dung bài
giáo lý: giáo lý viên hướng ý trước, gợi tâm tình trước rồi các em mới đọc kinh
hay hát.
e. Giáo lý viên gợi tâm tình và đề tài, các học viên tự cầu
nguyện theo tâm tình và đề tài đó.
f. Cầu nguyện theo kiểu lời nguyện tín hữu trong Thánh lễ: giáo
lý viên gợi ý, một số học viên xướng lên một ý nguyện, có thể dọn sẵn hoặc tự
phát, tất cả thưa: Xin Chúa nhận lời chúng con-giáo lý viên kết thúc bằng lời
nguyện chung, các em cùng thưa Amen–Hình thức này thích hợp với các em từ 13-18
tuổi.
IV – GIÁO LÝ VIÊN DẠY CÁC HỌC VIÊN CẦU NGUYỆN
1. Chính giáo lý viên hãy trở nên người cầu nguyện
Cầu nguyện nhiều trong cuộc sống, nuôi dưỡng tâm tình cầu nguyện
mọi nơi, mọi lúc.
2. Thái độ của giáo lý viên khi dạy cầu nguyện
Giáo lý viên cần có thái độ trang nghiêm “như thấy Đấng vô hình”
khi giúp các học viên cầu nguyện. Vì thế, giáo lý viên không thể giúp các học
viên cầu nguyện trong thái độ giận dữ, quát nạt, lo ra, lăng xăng… Hãy bộc lộ
nét trang nghiêm, cung kính trong lúc cầu nguyện. Nếu cần sửa lỗi các học viên
đang lo ra, chơi giỡn trong lúc cầu nguyện thì chờ đến khi đã cầu nguyện xong.
3. Tập cho các học viên cầu nguyện theo diễn tiến
• Đặt mình trước mặt Chúa.
• Gợi tâm tình: thờ lạy, cảm ơn, xin lỗi, xin ơn.
• Tìm lời và cử chỉ thích hợp để diễn tả tâm tình.
V – CÁCH SOẠN MỘT LỜI CẦU NGUYỆN
Khi soạn một lời cầu nguyện, ta cần nắm vững mục đích, nội dung
của lời cầu nguyện: đầu giờ, giữa giờ hay cuối giờ. Phần cầu nguyện đầu và cuối
giờ, ta có thể soạn cách đơn sơ dễ hiểu, đúng nội dung và mục đích. Còn phần
cầu nguyện giữa giờ-phút cao điểm của giờ giáo lý, ta nên soạn kỹ hơn, phù hợp
với nội dung bài giáo lý. Sau đây là cách soạn lời cầu nguyện giữa giờ.
Ta soạn theo mẫu những lời nguyện phụng vụ của Giáo hội, lời nguyện
này có năm phần:
1. Nêu danh xưng: Lạy Chúa hoặc Lạy Cha, Lạy Chúa Giêsu, Lạy
Chúa Thánh Thần…
2. Lý do xin ơn: thường dựa vào một lời Chúa nói, một việc Chúa
làm hay từ một biến cố cuộc sống.
3. Diễn tả nội dung ơn xin: Muốn xin ơn gì ?
4. Chủ đích xin ơn: Xin ơn đó để làm gì? (Có hai chủ đích)
• Chủ đích 1: ích lợi cho con người, bản thân, gia đình, xã hội,
Giáo hội.
• Chủ đích 2: làm vinh danh Chúa.
5. Kết thúc: có 2 cách
• Nếu phần nêu danh xưng là “Lạy Chúa’’ hay “Lạy Cha”, “Lạy Chúa
Thánh Thần”, thì kết thúc bằng câu: Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa
chúng con. Amen.
• Nếu phần nêu danh xưng là Lạy Chúa Giêsu thì kết thúc bằng
câu: Chúng con cầu xin Chúa là Đấng hằng sống hằng trị muôn đời. Amen.
Ví dụ : Lời nguyện mẫu 1
1. Nêu danh xưng: Lạy Cha,
2. Lý do xin ơn: Cha không muốn kẻ có tội phải hư mất, nhưng
muốn họ hối cải để được sống.
3. Nội dung ơn xin: xin cho những người đang lìa xa Cha được
nghe tiếng Cha kêu mời trở lại trong mùa Chay thánh này.
4. Chủ đích xin ơn:
• Chủ đích 1: để họ được hưởng nhờ ơn cứu độ của Cha.
• Chủ đích 2: và làm sáng tỏ lòng nhân hậu hay tha thứ của Cha.
5. Kết thúc: Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô con Cha, Chúa chúng
con – Amen.
Lời nguyện mẫu 2: Bài “Chúa Giêsu làm việc”
• Nêu danh xưng: Lạy Chúa,
• Lý do xin ơn: Chúa đã tạo dựng chúng con có trí khôn để suy
nghĩ, có trái tim để yêu thương, có đôi tay để làm việc, có đôi chân để chạy
nhảy vui chơi, đến trường, đến nhà thờ, có miệng lưỡi để nói năng, để ca tụng
Chúa.
• Nội dung ơn xin: Xin cho chúng con biết dùng những khả năng
Chúa ban,
• Chủ đích ơn xin.
- Chủ đích 1: để làm vinh danh Chúa
- Chủ đích 2: và giúp ích cho mọi người.
• Kết thúc: Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô Chúa chúng con.
Amen.
NGUỒN: thieunhithanhthevn.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét