Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2017

Bài 15: Tâm lý Sư phạm

Bài 15: Tâm lý Sư phạm
Tâm lý Sư phạm
I – KHÁI NIỆM TÂM LÝ
Tâm lý được hiểu như chính là đời sống con người, với những hành vi, cử chỉ, ngôn ngữ, với những hoạt động của trí tuệ, tình cảm, biểu hiện qua thể xác, tinh thần và xã hội tính của mỗi người.
- Khoa tâm lý học là khoa học nghiên cứu về con người, với những suy tư và hành động, cảm nhận và tác động, bên ngoài và bên trong. Tất cả được quan sát, mô tả, giải thích, đối chiếu với thực tế, làm thành kinh nghiệm chung của xã hội, của nhân loại.
- Khoa tâm lý sư phạm là tâm lý học được ứng dụng vào việc giáo dục đào tạo, giúp ta hiểu rõ hơn những đặc điểm và sự phát triển tâm lý của con người, nhờ đó, ta biết chọn lựa những phương pháp giáo dục thích ứng với tâm lý con người, trong từng giai đoạn tuổi.



II - ĐẶC TÍNH CỦA CÁC CUỘC TIẾN TRIỂN TÂM LÝ
Từ ngày lọt lòng mẹ cho đến tuổi thanh niên, con người tiến triển liên tục. Bao lâu còn sống là còn thay đổi (tăng trưởng, phát triển, thoái hóa). Sự phát triển bao gồm 3 phần:
- Thể xác: phát triển chiều cao, trọng lượng, bộ não và sự phối hợp vận động giữa các bộ phận.
- Trí tuệ: phát triển về nhận thức (tư tưởng) như: ngôn ngữ, trí nhớ, óc tưởng tượng, tư duy.
- Xã hội tính: những quan hệ giao tế xã hội ngày càng nhiều hơn.
Tính cách các cuộc tiến triển thường theo một đường gấp khúc, phân từng giai đoạn, mỗi giai đoạn có hai tiết:
- Tiết khủng hoảng: như cua thay vỏ, bỏ đời sống trước và hấp thụ cái mới. Giai đoạn khủng hoảng thường khoảng 1 năm hay hơn nữa.
- Tiết thăng bằng: là thời gian để sắp đặt lại điều đã hấp thụ trong thời khủng hoảng. Tiết êm dịu này dài 2-3 năm. Tuy thế, không phải là êm dịu hẳn một mực, mà còn bị ảnh hưởng của cơn khủng hoảng kế tiếp, nên chỉ có 1 năm yên tĩnh.
Cuộc khủng hoảng và thăng bằng đó có tính cách toàn diện, vì đời sống là duy nhất, nên mỗi lần xáo trộn là xáo động tất cả và sắp đặt lại tất cả như: tâm tình, ý tưởng, tập quán, hành động, cách ứng xử xã hội…
III – CÁC GIAI ĐOẠN TIẾN TRIỂN
1. Từ bé mới sinh đến 3 tuổi
Ban đầu lẫn lộn cả nội giới, ngoại giới, dần dần mới phân biệt mình khác ngoại giới. Nhờ cảm giác, bé nhận thức các sự vật bên ngoài. Khám phá ra sự vật nhờ cảm giác. Từ 18-20 tháng - thời kỳ thuận tiện nhất để học tiếng một, nhờ đó các em biết rõ ý niệm sự vật. Hai tuổi, bé luôn luôn hỏi: cái gì đây me? Nhưng chỉ biết sự vật cách rời rạc.
2. Đến 3-4 tuổi, cuộc khủng hoảng đầu tiên
Các em nhận thức đời sống đối nội, em là một nhân vật, nên bướng bỉnh. Tuổi này mẹ nói gì cũng không. Em nói không để tỏ ra em có một đời sống riêng biệt, không muốn lệ thuộc ai. Tuổi này cũng là tuổi tìm hiểu liên lạc giữa các vật hữu hình, nên cái gì cũng hỏi: cái này để làm gì? Tại sao?
3. Từ 4-7 tuổi là một thời gian êm dịu
Các em sống trong một thế giới tưởng tượng, em nhìn mọi cái chung quanh đều sống, đều có hồn như em. Với quan niệm vị kỷ, em tự đặt mình làm trung tâm sự sống, lúc nào cũng mình. Ai ngoan nhất ? Con .v.v… Với quan niệm tình cảm, em quan niệm mọi sự dưới khía cạnh thương - ghét và vui - buồn.
Tất cả tâm tình đó cùng diễn ra trong đời sống tôn giáo của em. Em nhân cách hóa Chúa và mọi thực tại linh thiêng, thấy Chúa hoạt động trong mọi sự. Em sống nhiều về tình cảm và thích tâm giao với Chúa có bản vị. Luân lý của em cũng là luân lý tình cảm.
4. Đến 8-9 tuổi, khủng hoảng thứ hai
Em bỏ đời sống mộng tưởng bên trong vì em đã nhìn ra thế giới bên ngoài rõ hơn. Em bắt đầu biết lý luận, nên không nhận quyền bính của cha mẹ, người trên. Em mở mắt nhìn đời nhiều hơn, nên tìm bạn hữu ngoài gia đình. Tuổi này là tuổi học thấu tư tưởng và diễn tả ra.
5. Từ 9-12 tuổi, giai đoạn thăng bằng
Các em tìm hiểu ngoại vật trí óc thực tế. Dần dần xóa bỏ trí óc mơ mộng hóa nên lý luận, thích phiêu lưu, thích hoạt động, thích anh hùng. Mọi sự hiểu biết muốn diễn tả bằng trò chơi, ca hát, kịch, thích có bạn để chơi.
Đối với Chúa, bớt nhân cách hóa, bớt trực tiếp hóa vì đã hiểu các nguyên nhân trong vạn vật, nhưng vẫn thích ngắm nhìn Chúa cao cả chủ tể vạn vật. Thích Chúa Giêsu là Thầy sáng suốt, là Vua vinh hiển. Luân lý bắt đầu thành luân lý nguyên tắc và biết sự phải trái, biết chân, thiện, mỹ.
6. Từ 13-14 tuổi, một khủng hoảng trầm trọng
Các em lại trở vào nội giới. Bây giờ đã nhận sự tự do, tự chủ của mình, các em muốn tận hưởng nó. Tuổi dạy thì làm cho các em để ý đến tình yêu, đến sinh lý và đến thú vui thể xác, nên bắt đầu yêu…trai yêu gái, gái thích trai, chưa phải là một tình yêu lựa chọn, chỉ mới là mối tình chung mơ hồ. Gái muốn duyên dáng uyển chuyển để lấy lòng trai, trai thích hùng mạnh để chinh phục gái, nhưng rất ngượng nghịu, vì thân thể chưa điều hòa, nên hay e thẹn và nhút nhát. Họ thích trò chuyện tâm tình, thích tiểu thuyết tình ái, thích nhạc buồn, thích tất cả những gì gợi tình. Cũng chính vì thể chất bị khủng hoảng mạnh, nên hay đau yếu, nhức đầu, hay thay đổi tâm tình làm cho người ta khó hiểu mình và cũng khó hiểu được chính mình, nên sống rút vào trong.
Do đó, tuổi này vừa rất xa Chúa, vừa rất gần Chúa. Chính vì không hiểu đời và tưởng đời không hiểu mình. Chính sự đòi tự do, tự chủ trong đời sống nội tâm làm cho họ không thích sống với người khác, xa cha mẹ, anh chị, không thích đi chung, đọc kinh chung. Nhưng chỉ thích đi với một người thôi. Nhưng cũng vì đó, họ thích gần Chúa, thích sống thân mật với Chúa, nhất là thích sống với Chúa qua cảnh vật - thích ngồi trầm lặng trên đồi, đứng nhìn nước chảy, ngó vẩn vơ, ngồi trong bóng tối nhà thờ để hồn lâng lâng lên Chúa. Chữ tình mới chớm nở, có thể làm ngơ việc giao thân với Chúa, rồi lại có thể giúp họ tìm ra Chúa, vì họ cảm thấy chỉ có tình yêu của Chúa mới chân thật (ơn thiên triệu nảy nở ở tuổi này).
7. Tuổi 14-16: Dậy thì
Tuổi này là tuổi hướng nội. Đây là giai đoạn tiếp thời để ra khỏi tuổi thiếu nhi và bước sang tuổi thiếu niên. Tuổi này rất thất thường, vì những thay đổi của cơ thể và những bất thường về tinh thần làm cho người thiếu niên trở về với chính mình. Họ sống ngoài thực tại. Họ dốc lòng nhiều sự, rồi sau cùng họ không nắm giữ được điều nào. Họ muốn sống tự lập, muốn được tự do.
Đối với họ, ý nghĩa Thiên Chúa phù trợ của tuổi nhi đồng phải mất đi và ý nghĩa Thiên Chúa lập pháp của tuổi thiếu nhi cũng giảm nhiều. Họ hướng về Thiên Chúa có tính cách nhân vị. Họ hướng về Thiên Chúa là bạn để giúp họ thực hiện tự do - giúp họ tự do lái con thuyền đời họ. Họ cầu nguyện nhằm mục đích xin ơn (thi đậu. v. v…). Họ chưa ý thức được ý nghĩa của một đạo vô vị lợi.
8. Tuổi 17-18: khủng hoảng thành nhân
Tuổi khủng hoảng đặt lại vấn đề. Mọi cái họ cho là chân thật xưa nay, từ tư tưởng, tín ngưỡng, tình yêu, văn hóa… bạn trẻ hoài nghi và muốn đặt lại vấn đề và tự giải quyết. Cái gì họ tự cho là hữu lý mới chấp thuận. Vì thế, người ta cho các bạn trẻ là ngang tàng bất kính cổ truyền, bất chấp trật tự; luân lý của các bạn trẻ là luân lý tự lập, cái gì mình cho là đúng thì mình làm theo, không còn sợ sệt một áp lực nào bên ngoài.
Tâm hồn bạn trẻ ước muốn những sự tốt đẹp, thích việc xã hội, chính trị lớn lao, thích tiểu thuyết xã hội tả chân, thích hy sinh hoạt động cho đại nghĩa. Thành thử tâm hồn thanh niên khó hiểu vì phức tạp, vừa nghiêng mình về tình dục, thú vui, vừa say sưa với lý tưởng cao đẹp, vừa đòi tất cả mọi cái phải hợp với lẽ phải, mở miệng ra là lý luận, vừa sống bừa bãi vô kỷ luật. Tuổi 17 là tuổi anh hùng, nhưng còn là “anh hùng rơm”.
Ba, bốn năm sau, cuộc khủng hoảng lắng xuống. Các vấn đề đặt lại càng ngày càng rõ rệt. Đối với tôn giáo, nếu đặt đúng vấn đề, gặp đúng người hướng dẫn, họ sẽ có một đức tin sáng suốt đi đôi với đời sống tông đồ nhiệt thành, sống đạo hăng hái. Nếu không, bạn trẻ sẽ bỏ Chúa dần dần, trở nên giữ đạo theo cổ truyền vì phải giữ, có khi đi tới chỗ phủ nhận Thiên Chúa.
9. Tuổi bước vào đời 19-21
Đây là lúc bước chân vào cuộc đời làm ăn, tâm hồn thanh niên thay đổi, vừa hẹp, lại vừa rộng ra.
 - Hẹp vì không có tính cách “anh hùng rơm” nữa, không còn chiến đấu cho cái hay cái đẹp, mà trở nên thực tế hơn: lo cho có bằng cấp, chức vụ, có tiền, lo cho gia đình, người thân, bạn hữu.
- Rộng ra vì đối với vợ con, với công việc mình chọn lựa, lại hy sinh, tận tụy, bỏ mình, quên mình vì phận sự.
Kết luận:
Trẻ em là một sinh vật tự động, tự chủ. Trẻ em là một sinh vật đang tiến triển, đang lớn một cách toàn diện và liên tục. Tâm hồn trẻ em là một thế giới riêng biệt, không giống tâm hồn người lớn.
Trước khi dạy dỗ trẻ, ta cần biết những điểm đại cương về khoa tâm lý nhi đồng. Hãy lợi dụng tâm lý các em để rao truyền Tin mừng cứu độ hợp với trạng thái của mỗi giai đoạn (sư phạm huấn giáo theo lứa tuổi).
NGUỒN : thieunhithanhthevn.org


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Đức Cha Aloisiô Dâng Lễ Cầu Cho Linh Hồn Cha Cố Tôma Nguyễn Văn Thượng

  Đức Cha Aloisiô Dâng Lễ Cầu Cho Linh Hồn Cha Cố Tôma Nguyễn Văn Thượng   18-04-2022 Hôm nay, Thứ Hai, ngày 18/4/2022, ngày thứ hai trong t...