Bài 10: Mấy nguyên tắc sư phạm căn bản
Mấy nguyên tắc sư phạm căn
bản
Dựa vào phương thức truyền giảng Tin mừng của Chúa Giêsu, chúng
ta có thể rút ra một số nguyên tắc sư phạm sau đây:
I. CỤ THỂ
1. Định Nghĩa
Cụ thể có nghĩa là dễ tưởng tượng, dễ hình dung được ngay, vì nó
đánh động vào giác quan. Người nghe càng nhỏ tuổi, bài giáo lý càng phải cụ
thể, vì trẻ nhỏ có kinh nghiệm cảm tính và suy nghĩ bằng hình ảnh, chứ chưa
lĩnh hội được các ý niệm và chưa lý luận cách trừu tượng.
2. Dùng từ ngữ và kiểu nói dễ hiểu
Từ ngữ và kiểu nói đơn giản này sẽ cụ thể hoá các ý niệm trừu
tượng, làm cho các ý niệm đó vừa tầm tiếp nhận và tiêu hoá của người nghe.
Đối với người lớn cần phải hoán chuyển hình ảnh thành ý niệm,
nhưng đối với trẻ nhỏ, phải làm ngược lại cần hoán chuyển ý niệm thành hình
ảnh. Các kiểu nói bóng, so sánh, ví von … gọi chung là ngôn ngữ hình ảnh đều
nhằm mục đích này. Thánh Kinh thường dùng nhiều ngôn ngữ hình ảnh: Chúa là Ánh
Sáng, là Thành Luỹ, là Mục Tử,… Ngài chăn dắt ta trên đồng cỏ xanh, dẫn đưa tới
suối nước mát… Cây gậy (để đánh sói dữ) của Ngài làm ta an lòng…
3. Cụ thể hoá bài giáo lý
Để cụ thể hoá bài giáo lý, ngoài ngôn ngữ hình ảnh vừa nói còn
có thể dùng thể ảnh: tranh ảnh, hình vẽ, hình chụp,… Thể ảnh còn cụ thể và hiệu
năng sư phạm cao hơn cả ngôn ngữ hình ảnh, do khả năng gợi ý và thu hút sức chú
ý của nó. Ví dụ: Một tấm ảnh phong cảnh thiên nhiên thật đẹp, có thể diễn tả về
quyền phép của Thiên Chúa cụ thể hơn nhiều so với lời mô tả của giáo lý viên.
Có hai loại thể ảnh: ảnh tài liệu và ảnh gợi ý.
+ Ảnh tài liệu: ảnh ghi lại những sự kiện đã xảy ra ở những nơi
có thật, nhưng xa chúng ta trong không gian và thời gian. Ví dụ: hình ảnh Đất
Thánh, Công đồng Vatican II, xứ Ars… Hình ảnh tài liệu chỉ có giá trị nếu trung
thực và đúng sự thực.
+ Ảnh gợi ý: ảnh có tính chất sáng tác, tượng trưng để diễn tả
một ý tưởng hay một tâm tình nào đó. Loại ảnh này phải diễn tả những ý tưởng
đúng và những tâm tình tôn giáo sâu sắc mới thích hợp với giáo lý. Trong phạm
vi giáo lý, ảnh “có ý nghĩa” quan trọng hơn là ảnh “đẹp”.
Không nên dùng quá nhiều hình ảnh trong một bài giáo lý và cần
phối hợp hình ảnh với các bài giảng cho nhịp nhàng, đúng lúc, đúng đề tài.
- Phương pháp tốt nhất để làm cho bài giáo lý trở nên cụ thể là
dùng lối kể chuyện.
II. PHƯƠNG PHÁP QUI NẠP
1. Định nghĩa
Phương pháp quy nạp là đi từ những hiện tượng, sự kiên riêng đến
những kết luận chung. (Từ điển Tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, Nxb Đà Nẵng 2005)
Ví dụ :
- Trường hợp riêng biệt: Ông A, ông B, ông C đã chết.
- Rút ra kinh nghiệm: mà Ông A, ông B, ông C là người.
- Định luật chung: vậy mọi người đều phải chết.
- Như thế phương pháp quy nạp đi từ một vài câu chuyện hay từ
các sự kiện cụ thể trong đời sống thực tế, từ những trường hợp riêng lẻ tới
tổng quát, từ dễ tới khó, từ dưới lên trên.
2. Chúa Giêsu đã theo phương pháp quy nạp khi giảng dạy
Chúa Giêsu thuật lại một câu chuyện, một dụ ngôn, rồi sau đó rút
ra bài học :
Câu chuyện
=> Bài học
(khởi
điểm)
(kết luận)
Ví dụ : - Người Samaritanô tốt lành => Mọi người là anh
em (Lc10, 29-37).
- Chuyện người con phung phá => Thiên Chúa đón nhận tội
nhân (Lc 15, 11-32 ).
3. Áp dụng phương pháp quy nạp vào việc dạy giáo lý
Để áp dụng phương pháp quy nạp vào việc dạy giáo lý, ta theo 3
bước sau :
- Giới thiệu: Đưa ra một sự kiện, một câu chuyện làm khởi điểm.
- Nhận định: Từ sự kiện, câu chuyện đó rút ra những ý tưởng,
những bài học thích hợp.
- Áp dụng: Đem ý tưởng, bài học đó vào đề tài giáo lý mình muốn
trình bầy.
Ví dụ: chủ đề Chúa Giêsu là Bánh Hằng Sống nuôi dưỡng linh hồn
ta.
- Giới thiệu: Mỗi ngày gia đình chúng ta họp nhau 3 lần để dùng
bữa : bữa sáng, bữa trưa, bữa tối.
- Nhận định: Bữa ăn cần thiết để nuôi sống thân xác, bồi dưỡng
sức khoẻ, làm cho ta lớn lên.
- Áp dụng: Linh hồn ta cũng cần được nuôi sống, bồi dưỡng, lớn
lên. Chúa Giêsu lấy chính Mình, Máu Ngài để nuôi dưỡng linh hồn ta. Thánh Thể
thật là của ăn vì chính Chúa đã nói: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai
ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng chính là thịt tôi
đây…” (Ga 6, 51).
III. PHƯƠNG PHÁP ĐẶT CÂU HỎI
Một trong những phương pháp giúp học viên hiểu sâu xa được
nội dung bài học, đó là cách đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi.
Thần học gia Karl Rahner xác quyết rằng: những câu hỏi tốt là
dấu hiệu về sự hiện diện sống động của Thiên Chúa trong đời sống chúng ta. Đức
tin lớn lên được là nhờ việc đặt vấn đề, thăm dò và tìm hiểu.
1. Lợi ích của câu hỏi
a. Về tâm lý, giáo dục: Đặt câu hỏi,
- Là bắt đầu hiểu một phần vấn đề, cần tìm hiểu sâu hơn
- Là thái độ cởi mở, thắng vượt e lệ, lãnh đạm, để trao đổi
- Là xác định bản lãnh của mình: có ý nghĩa riêng, đối chiếu
quan điểm
- Là phương pháp tìm hiểu tâm tính và kiểm tra kiến thức.
b. Về loan báo Tin mừng
- Chúa Giêsu đáp lại những câu hỏi của mọi hạng người: “Thầy ở
đâu? Ông có phải là Đức Kitô? Tôi phải làm gì để được sống đời đời?”
- Chính Chúa Giêsu cũng dùng câu hỏi để dân người nghe đến chân
lý: “Các con bào Thầy là ai? Anh có tin con người không?”
2. Các loại câu hỏi
a. Câu hỏi về sự kiện: đây là câu hỏi để bảo đảm kiến thức chính
xác về những sự kiện quan trọng. ví dụ: “bí tích là gì? Có bao nhiêu bí tích?”
Những câu hỏi này được đặt ra để nắm vững về những sự kiện cơ bản, kiểm tra
kiến thức.
b. Câu hỏi về ý nghĩa: từ một câu chuyện, một định nghĩa, một sự
kiện, ta đặt câu hỏi “điều này có ý nghĩa gì?”
Câu hỏi này nhằm hiểu biết dư luận, tìm ý kiến về một vấn đề. Nó
mời gọi đi sâu vào sự kiện đức tin và đời sống, hơn những kiến thức hời hợt.
c. Câu hỏi về giá trị: nhằm gợi lên những suy nghĩ sâu xa và cụ
thể của từng cá nhân. Ví dụ: “Các bí tích có ảnh hưởng gì đến bạn? bạn có
thường xuyên lãnh bí tích không, và nó giúp gì cho bạn?”
Câu hỏi loại này có tính cách cá nhân, nên cần tôn trọng và tuỳ
theo sự nhạy bén, đừng ép phải trả lời loại câu hỏi này. Cần tạo bầu khí tin
tưởng, sẽ dễ dàng trao đổi kinh nghiệm sống.
d. Câu hỏi về cùng đích cuộc đời: loại này liên quan đến đời
sống và đụng chạm đến những huyền nhiệm của sự sống con người, niềm tin công
giáo. Ví dụ: “Bí tích cho thấy gì về sự sống và sự chết? Đâu là điều thiện,
điều ác? Đâu là hạnh phúc đích thực?”
Đây là những câu hỏi đụng chạm về chiều sâu cảm nghiệm và niềm
tin. Có thể khó trả lời cách trôi chảy. Những câu trả lời tốt nhất thường do sự
suy tư trầm lắng, niềm tin phó thác và sự cầu nguyện khiêm tốn.
e. Ngoài ra, còn có câu hỏi lạc đề: do học viên đưa ra, thiếu
xác tín và ngoài vấn đề học hỏi
Có thể vì nhiều lý do: chán học, mệt, muốn giải trí, bài học xa
thực tế, không gây thích thú.
3. Cách đạt câu hỏi cho học viên
Để giúp học viên suy nghĩ và thảo luận, có 4 cách đặt câu hỏi:
a. Tránh nêu câu hỏi “đóng”, vì câu trả lời chỉ là có hoặc
không.
b. Bình thường, nên đặt câu hỏi chung cho cả lớp trước khi hỏi
riêng từng cá nhân. Điều này nhằm mời gọi cả lớp cùng suy nghĩ.
c. Có thể đặt câu hỏi trong nhiều dạng khác nhau. Ví dụ: đặt câu
hỏi với chính người hỏi, hoặc với cả lớp, hoặc dùng thơ văn, tranh ảnh, truyện
kể, phim truyện hoặc những hoạt động sáng tạo khác…
d. Đừng hài lòng những câu trả lời hời hợt đòi hỏi phải suy nghĩ
sâu.
Lưu ý, cách đặt câu hỏi về ý nghĩa và giá trị, đó là một kỹ năng
quan trọng cho việc dạy học có chiều sâu. Câu hỏi phải có tính gợi ý và tiệm
tiến
- Gợi ý: có nghĩa là câu hỏi vừa tầm người nghe, lời giải đáp đã
mặc nhiên nằm trong câu hỏi. Nó khác với câu đố, vì câu đố càng khó, càng bí
hiểm càng tốt. Trái lại, câu hỏi gợi ý tự nó mở đường cho lời đáp.
- Tiệm tiến: có nghĩa là các câu hỏi đi theo hướng quy nạp : từ
dễ đến khó, từ các vòng ngoài xoáy vào cốt lõi vấn đề, nối tiếp nhau cách liên
tục và cùng quy hướng về vấn đề đang tìm hiểu. Câu hỏi ngày càng chuyên sâu để
thu hẹp vấn đề và trở nên chính xác.
Tóm lại, thay vì hình thức thuyết minh, trực tiếp cung cấp kiến
thức, thông tin, giải pháp, chúng ta đặt câu hỏi gợi mở để người nghe tự tìm ra
câu trả lời cho một vấn đề. Từ kết quả thu được đó, chúng ta sẽ uốn nắn và hoàn
chỉnh. Đó là cốt lõi của phương pháp đặt câu hỏi.
4. Thái độ của giáo lý viên trước những câu hỏi
a. Tiếp nhận câu hỏi với thiện cảm
-Trước hết, tỏ ra thái độ cởi mở, tiếp nhận, thái độ biết lắng
nghe và biết lưu tâm đến thắc mắc và giá trị của người khác.
- Không nên trả lời vội vã. Nên đào sâu câu hỏi và tìm gặp tâm
tư của người đặt câu hỏi. Về mặt sư phạm: câu trả lời tốt không phải là câu trả
lời nhanh, nhưng là lời giải đáp mà trẻ em cảm thấy vui vì nhận thấy phát xuất
từ đáy lòng giáo lý viên.
b. Không nên trả lời hết mọi câu hỏi
- Cần nắm vững nguyên tắc sư phạm: giáo lý viên nên trả lời 2
loại câu hỏi sau đây
+ loại có liên quan đến đa số học viên
+ loại tạo nên sự hiểu biết thêm về chân lý mạc khải
- Cần tập trẻ suy nghĩ cẩn thận trước khi đặt câu hỏi, và đặt
những câu hỏi liên quan đến tập thể
- Giáo lý viên cũng phải biết hạn chế câu hỏi để tránh lạc đề
quá xa. Vì có một số câu hỏi không thể nào thoả đáp. Ví dụ: Tự do của con
người, Tri thức của Thiên Chúa, Tiền định… cho trẻ thấy giới hạn của trí tuệ
con người.
- Nếu câu hỏi ngoài vấn đề, nhưng lại quan trọng và ích lợi cho
đa số, tính sao? Nếu đa số thích thú muốn được giải đáp, và nếu đủ giờ, thì nên
trả lời. Còn nếu đa số dửng dưng, chưa suy nghĩ kịp, hay không đủ giờ, thì hẹn
lại lần sau, hoặc trả lời riêng.
c. Giải thích thêm và gạn lọc câu hỏi
- Có những câu hỏi mà trẻ đặt ra cách vụng về, thiếu mạch lạc,
khó hiểu: giáo lý viên hãy gạn lọc, phân tích, sắp xếp cho gọn, dễ hiểu và giúp
cho cả lớp thấy tầm quan trọng của vấn đề.
- Giáo lý viên gợi ý: “Em định nói gì, thử tóm ý của em…. Em
hiểu chữ X theo nghĩa nào? Em có thể cho một ví dụ cụ thể… Có phải ý em muốn
nói là…”
5. Cách giải đáp từng loại câu hỏi
Trước khi trả lời, giáo lý viên cần phân định câu hỏi thuộc loại
nào, và tìm lời giải thích ứng.
a. Câu hỏi đặt vấn đề về giá trị
Ví dụ: “Tại sao Giáo hội buộc dự Thánh lễ ngày Chúa nhật?”
Loại câu hỏi này do thiếu kiến thức: không biết hoặc không biết
đủ. Để trả lời loại này, ta cần phải có kiến thức và biết thông truyền kiến
thức.
b. Câu hỏi gợi lên mầu nhiệm
Ví dụ: “Nếu Thiên Chúa tốt lành, tại sao có sự ác?” hoặc “Thiên
Chúa biết mọi sự, Ngài biết tôi được cứu độ, vậy tôi đâu còn tự do?”
- Đây là loại câu hỏi đưa đi rất xa, vì liên quan đến mầu nhiệm
đức tin. Để giải đáp, không thể chứng minh trực tiếp bằng kiến thức, lý luận,
vì là những mầu nhiệm, nên con người không đủ khả năng thấu hiểu như Chúa.
- Giáo lý viên phải uốn nắn những thành kiến, ngộ nhận nếu có.
Hãy đem những kinh nghiệm sống, những chứng từ trong cuộc sống, trong Giáo hội
cho thấy đã khắc phục khó khăn. Giúp cho trẻ hiểu: một cuộc sống trung tín
trong đức tin và cầu nguyện, dần sẽ giải toả được những khó khăn mà trí khôn
không thể thấu triệt. Có thứ hiểu biết bằng tâm hồn nhờ ánh sáng của đức tin,
của Chúa Thánh Thần.
c. Câu hỏi lạc đề
- Tìm lý do xuất phát câu hỏi, có thể: vì nhàm chán, muốn giải
trí, bài không thích thú, xa lạ…
- Giáo lý viên tránh đừng rơi vào “bẫy” của học viên, không nên
trả lời, nếu thấy đùa giỡn, câu giờ. Nhắc cho biết là lạc đề, nhưng sẽ trả lời
sau, nếu muốn. Cũng có thể hỏi ngược lại: “Em định trả lời sao?”, giáo lý viên
cũng kiểm điểm lại cách dạy, trình độ, sở thích, có thích hợp với trẻ không!
Kết: Hãy sử dụng tốt phương pháp đặt câu hỏi và trả lời câu hỏi.
Bạn sẽ thành công nhiều trong nhiệm vụ giáo dục đức tin cho trẻ.
6. Một số ví dụ
Ví dụ 1: chủ đề “Chúa Giêsu là bánh hằng sống nuôi dưỡng linh
hồn ta”.
Thay vì dùng hình thức thuyết minh (như ví dụ ở phương pháp quy
nạp), ta dùng hình thức đặt câu hỏi:
- Mỗi ngày gia đình chúng ta họp nhau dùng bữa mấy lần? - (Ba
lần).
- Đó là những bữa nào? - (Sáng, trưa, tối).
- Tại sao chúng ta phải dùng bữa? Bữa ăn giúp ích cho chúng ta
như thế nào? - (Để nuôi thân xác, bồi dưỡng sức khoẻ, làm cho ta lớn
lên).
- Ngoài thân xác, con người chúng ta còn phần gì nữa? - (Linh
hồn)
- Để linh hồn được nuôi sống, lớn lên, linh hồn có cần của ăn
không? (Có).
- Vậy của ăn của linh hồn là gì? - (Mình Máu Thánh Chúa
Kitô).
- Tại sao ta biết của ăn nuôi sống linh hồn ta là Mình Máu Chúa
Kitô? - Vì chính Chúa Giêsu nói: “Tôi là bánh từ trời xuống, ai ăn bánh này sẽ
được sống đời đời. Và bánh tôi sẽ ban chính là thịt tôi đây” (Ga 6, 51).
Ví dụ 2: chủ đề “Chúa Giêsu chết trên Thánh Giá”
- Thường thì người ta có sợ chết không? - (Có).
- Đúng, ai cũng sợ chết, nhưng cũng có trường hợp người ta dám
liều chết chứ, phải không các em?
- Các em có biết trường hợp nào có người dám liều chết không?
- Có ai biết ông Lê Lai liều mình chết để cứu vua Lê Lợi không?
- Có ai biết cha Maximilien Kolbe, người Balan, đã liều mình
chết thay cho một tù nhân trong thế chiến thứ II không?
- Vậy khi nào người ta dám liều chết ? - (Để cứu người khác, khi
cái chết của mình có ích cho người khác).
- Chúa Giêsu đã liều mình chết trên thập giá. Ngài chết cho ai
đây? - (cho chúng ta).
- Chúa Giêsu đã chết cho chúng ta, vậy chúng ta được gì ? - (ơn
tha thứ, được cứu độ, được sống...)
IV. CẢM NGHIỆM
Khi trình bày chân lý cần lay động tâm tình người nghe, cả tâm
hồn lẫn trí tuệ đều được vận dụng trong giờ giáo lý.
Mỗi bài giáo lý có một chủ đề nhất định, không được gộp chung
nhiều đề tài khác nhau trong cùng một bài, vì như vậy bài giáo lý sẽ không mạch
lạc về mặt nhận thức, và làm phân tán sức chú ý của người nghe.
Sau khi đã ấn định chủ đề giáo lý, cần xác định tâm tình tôn
giáo thích hợp với chủ đề đó.
Ví dụ: chủ đề “Chúa Giêsu quyền phép”
Tâm tình: “cảm phục Chúa Giêsu”.
Trong bài giảng, giáo lý viên cần phải nói thế nào để vừa làm
cho các em hiểu Chúa Giêsu quyền phép, vừa làm cho các em cảm phục Ngài từ đáy
lòng. Như vậy đã được chủ đích của bài giáo lý.
Muốn áp dụng nguyên tắc cảm nghiệm cần phải phối hợp bài giáo lý
với cầu nguyện. Không kể cầu nguyện mở đầu và kết thúc giờ giáo lý, còn phải
dùng mấy phút trong chính bài giáo lý ngay sau bài giảng. Phút cầu nguyện này
là đỉnh cao của bài giáo lý. Tâm tình khơi động trong bài giảng sẽ sống mãnh liệt
và kết thành lời nguyện. Phút cầu nguyện này không dài, nhưng phải là cuộc gặp
gỡ thật với Thiên Chúa. Như vậy, trong giờ giáo lý chẳng những nói với các em
về Thiên Chúa, nhưng còn giúp các em sống với Thiên Chúa nữa.
V. TIỆM TIẾN
Tiệm tiến trong chương trình và trong cách dạy:
1. Trong chương trình
Mỗi tuổi có một mức độ hiểu biết khác nhau, nhu cầu tâm lý khác
nhau. Do đó, phải có một chương trình giáo lý riêng cho mỗi tuổi. Mỗi tuổi có
những vấn đề riêng, và ngay trong những vấn đề chung cho tất cả mọi lứa tuổi
cũng có cách trình bày riêng cho từng tuổi. Dùng cùng một sách giáo lý chung
cho hết mọi độ tuổi vừa trái với qui luật tâm lý và sư phạm, vừa không trung
tín với chính Tin mừng.
Đối với mỗi lứa tuổi, phải dạy những gì mà lứa tuổi đó không thể
không biết và chỉ dạy những gì mà lứa tuổi đó có thể hiểu được. Cả hai thái độ
bất cập và thái quá đều có thể đưa tới chỗ sai lầm về mặt chân lý, và lệch lạc
lương tâm về mặt luân lý.
Như đã nói, giáo lý là một công cuộc dài hạn, phải tiếp tục suốt
cuộc đời người tín hữu, không thể thu gọn trong vài ba tháng, với chủ đích duy
nhất là lãnh nhận các Bí tích. Vì thế, không thể và cũng không cần nhồi vào óc
các em trong một thời gian ngắn toàn bộ giáo lý. Trong lãnh vực đức tin không
thể vội vã, cần phải có một thời gian hạt giống mới có thể mọc một cách bình
thường.
2. Trong cách dạy
Ngay trong cách trình bày một vấn đề cũng phải theo nguyên tắc
tiệm tiến: đi từ chỗ đã biết đến chỗ chưa biết, từ cụ thể đến trừu tượng, từ dễ
đến khó, từ đặc thù đến tổng quát, từ toàn thể đến chi tiết…
Như vậy mới thực hiện được một nguyên tắc sư phạm tối quan trọng
khác: không được loại trừ những vấn đề khó, nhưng phải trình bày những vấn đề
khó một cách dễ hiểu.
VI. VẬN DỤNG TRÍ NHỚ
Phương pháp giáo lý mới chẳng những không loại bỏ việc học thuộc
lòng, nhưng còn tăng cường và đặt vào đúng vị trí của nó.
1. Trí nhớ cần thiết
Vận dụng trí nhớ cần thiết cả về hai phương diện sư phạm và giáo
dục đức tin:
Sư phạm: hiểu và nhớ liên quan mật thiết với nhau. Điều gì đã
hiểu thì dễ nhớ, nhưng ngược lại cũng đúng, có nhiều điều ban đầu người ta chưa
hiểu hết ý nghĩa của nó ngay, nhưng nếu được ghi nhớ trong ký ức thì cùng với
thời gian, dần dần sẽ khám phá ra ý nghĩa sâu xa của nó.
Giáo dục đức tin: ký ức liên hệ đến đức tin, vì đức tin có một
chiều kích lịch sử. Tin là tin vào Thiên Chúa qua những Lời Ngài đã nói và
những việc Ngài đã làm trong lịch sử. Do đó, tin cũng có nghĩa là ghi nhớ, muốn
tin và nuôi dưỡng đức tin cần phải ghi nhớ những giáo huấn và những kỳ công của
Thiên Chúa, ghi nhớ như Đức Maria đã làm ở Nazaret, để suy niệm trong lòng. Nhờ
ký ức và suy niệm, người tín hữu càng ngày càng hiểu và đi sâu vào ý định của
Thiên Chúa hơn.
2. Phương pháp giáo lý mới
Phương pháp giáo lý mới cải tiến việc vận dụng trí nhớ theo hai
hướng:
- Trong phương pháp qui nạp, câu kết luận là câu tóm lược và đúc
kết tất cả phần diễn giảng. Vì thế, trong bài giáo lý, câu được chọn để học
thuộc lòng chính là câu đúc kết bài giảng giáo lý. Như vậy, lớp giáo lý không
mở đầu bằng phần học thuộc lòng, nhưng đúc kết bằng phần này. Giảng bài trước,
rồi tóm lược bài giảng trong một câu ngắn gọn, sau cùng cho các em ghi chép và
học thuộc lòng luôn câu này. Nếu thuộc và hiểu câu này, các em sẽ nhớ được điểm
chính của bài giáo lý.
- Những câu thuộc lòng thường được trích nguyên văn, hoặc tóm
lược một cách trung thực, những lời Thánh Kinh hoặc Phụng vụ. Chỉ khi nào không
có những lời Thánh Kinh hoặc Phụng vụ trực tiếp liên quan đến chủ đề giáo lý
được trình bày, thì mới cần sáng tác. Tuy nhiên, những câu được sáng tác cần
ngắn gọn, vững chắc về nội dung nhưng lại dễ hiểu, dễ nhớ. Tuyệt đối tránh
những công thức trừu tượng, những danh từ quá chuyên môn vượt tầm hiểu biết của
người nghe. Cần phải nắm vững những nguyên tắc căn bản về sư phạm giáo lý: diễn
tả những điều khó một cách dễ hiểu.
Trên đây là một số nguyên tắc chủ yếu có tính cách tổng quát. Vì
có tính cách tổng quát, nên giáo lý viên chẳng những nắm vững nguyên tắc, nhưng
còn phải tìm cách áp dụng nguyên tắc cho linh động cụ thể. Điều này chỉ có thể
đạt được nhờ thực hành kinh nghiệm.
MGUỒN : thieunhithanhthevn.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét