ĐẠI HỘI GIÁO LÝ TOÀN
QUỐC LẦN THỨ V –
Thuyết trình 1: ĐÀO TẠO GIÁO LÝ VIÊN NÊN CON
NGƯỜI CỦA HIỆP THÔNG
LỜI MỞ
Các giáo phận đã và đang nỗ lực đào tạo
giáo lý viên cho giáo phận của mình. Tùy điều kiện, khả năng và nhu cầu, mỗi
giáo phận tổ chức đào tạo theo quy mô thích hợp và đạt được kết quả như mong
đợi.
Đại Hội Giáo Lý Toàn Quốc lần thứ V với
chủ đề “Đào tạo giáo lý viên, con người của hiệp thông” là cơ hội để chúng ta
nhìn lại công cuộc đào tạo hết sức quan trọng này, đặc biệt khi chúng ta đã có
được một đường hướng chung về việc dạy giáo lý.
Chúng ta nhìn lại để xem việc đào tạo này còn thiếu sót ở những điểm nào và cần
hoàn thiện những gì. Nhìn chung, chúng ta đã vất vả rất nhiều trong công cuộc
đào tạo: nào là bố trí giảng viên cho các môn học, nào là tổ chức các sinh hoạt
như tĩnh tâm, hội thảo, bồi dưỡng, tham quan vv... Tuy nhiên, nếu có ai hỏi đào
tạo để làm gì thì có lẽ chúng ta sẽ mau mắn trả lời để có người dạy giáo lý.
Câu trả lời là đúng nhưng điểm nhấn là công việc (giáo lý viên làm), chứ không
phải con người (giáo lý viên).
Vì thế, nhìn lại vẫn là việc cần thiết để
đổi mới và canh tân hoạt động giáo lý này. Chúng ta sẽ nhìn lại bằng cách đối
chiếu phương thức đào tạo của chúng ta với phương thức đào tạo được Giáo Hội
hướng dẫn, từ hướng dẫn chung của Giáo Hội phổ quát trong Hướng dẫn Tổng quát
việc Dạy giáo lý năm 1997 của Bộ Giáo Sĩ, đến hướng dẫn riêng của Giáo
Hội địa phương trong Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy giáo lý tại Việt Nam năm 2017
của Hội Đồng Giám Mục.
Theo ý hướng này, bài thuyết trình sẽ khởi
đi từ cái chung trong việc đào tạo giáo lý viên với Hướng dẫn Tổng
quát việc Dạy Giáo lýnăm 1997 của Bộ Giáo Sĩ, đến cái riêng của Giáo Hội
tại Việt Nam với Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý tại
Việt Nam năm 2017 của Hội Đồng Giám Mục, và dừng lại ở những chiều kích đào tạo
giáo lý viên theo mô hình “Hiệp Thông”.
I. TỪ
HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT VIỆC DẠY GIÁO LÝ CỦA BỘ GIÁO SĨ NĂM 1997
Hướng Dẫn của Bộ Giáo Sĩ năm 1997 cống
hiến cho chúng ta những nguyên tắc căn bản về việc đào tạo giáo lý viên (x.
HDTQ 1997, ss.234-251), chẳng hạn sự cần thiết và tầm quan trọng của việc đào
tạo, mục đích và bản chất đào
tạo, những tiêu chuẩn và chiều
kích của đào tạo, môi trường và trách nhiệm đào tạo.
1. Sự
cần thiết và tầm quan trọng của việc đào tạo
Việc đào tạo giáo lý viên hết sức cần
thiết và quan trọng, vì phẩm chất của người dạy quan trọng hơn thủ bản và những
công cụ làm việc khác. Cần phải dạy huấn giáo cho các ứng sinh linh mục
và dành ưu tiên cho việc đào tạo giáo lý viên giáo dân, đặc biệt các giáo lý
viên phục vụ cho người trưởng thành, vì giáo lý cho người lớn là hình thức giáo
lý ưu việt nhất. Phải đào tạo và đào tạo cách kỹ lưỡng, toàn diện và chuyên
biệt, để họ có thể bảo đảm chất lượng và hiệu quả cho việc dạy giáo lý cho các
đối tượng và trong những lãnh vực hay hoàn cảnh khác nhau.
2. Mục
đích và bản chất đào tạo
Mục đích: Việc đào tạo nhằm
giúp giáo lý viên có khả năng truyền đạt Tin Mừng, khả năng thông truyền sứ
điệp Kitô giáo nhân danh Hội Thánh. Trong nhãn quan Kitô học, việc đào
tạo giúp giáo lý viên biết cách làm cho người ta nhận biết, yêu mến, bước theo
và nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu Kitô qua các bí tích khai tâm. Muốn
được như thế, giáo lý viên phải được huấn luyện để làm cho đời sống (thiêng
liêng, trần thế và tông đồ) của mình thống nhất và hòa điệu trong “sự gắn bó
mật thiết với Chúa Giêsu Kitô và Chúa Cha trong Chúa Thánh Thần” (GMC, s.20;
CT, ss.5-6,9).
Bản chất: Để có thể truyền
đạt Tin Mừng hay thông truyền sứ điệp Kitô giáo nhân danh Hội
Thánh, việc đào tạo phải giúp giáo lý viên có cùng một ý thức sống
động và thiết thực về Tin Mừng với Hội Thánh, vị hôn thê luôn “muốn bảo tồn
toàn vẹn và tinh tuyền đức tin đã nhận được của Phu Quân” (LG 64). Như là “mẹ
và thầy”, Hội Thánh muốn truyền đạt Tin Mừng một cách xác thực nhất. Bản chất Hội Thánh
của việc truyền
đạt Tin Mừng cũng là bản chất của việc đào tạo giáo lý viên.
3. Những
tiêu chuẩn và chiều kích đào tạo
Những tiêu chuẩn:
Thứ nhất, giáo lý viên cần được đào tạo
để có một đức tin sâu xa,
một căn tính Kitô hữu và Hội Thánh rõ
ràng,
và một sự nhạy cảm cao về xã hội;
Thứ hai, giáo lý viên không chỉ có khả
năng giảng dạy
mà còn có khả năng huấn luyện Kitô hữu
toàn diện;
Thứ ba, giáo lý viên phải được cung cấp
một huấn giáo đầy đủ và trọn vẹn
để có thể kết hợp được những cặp yếu tố
như chân lý/đức tin, giáo thuyết/hành động, giáo hội/xã hội ...;
Thứ tư, việc đào tạo phải tôn trọng tính
đặc thù hay tính thế tục
của người giáo dân trong Hội Thánh;
Thứ năm, sư phạm – tổng quát và chuyên
biệt – áp dụng cho việc đào tạo
phải có sự nhất quán.
Nếu không, khi giảng dạy, giáo lý viên
sẽ gặp khó khăn
trong việc ứng tác một kiểu dạy mà không
hề được thụ giáo.
Những chiều kích:
- Trên
bình diện “con người”, giáo lý viên phải là:
một người trưởng thành nhân bản,
một tín hữu sốt sắng và một tông đồ
nhiệt thành;
- Trên bình diện hiểu biết, giáo lý viên phải:
hiểu rõ sứ điệp mình
truyền đạt
và hiểu rõ con người
đón nhận sứ điệp đó
cũng như bối cảnh xã
hội mà họ đang sống;
- Trên bình diện thành
thạo, giáo lý viên phải thành thạo
trong lãnh vực giáo
dục con người.
Tóm lại, giáo
lý viên phải được đào tạo cách toàn diện,
- đào
tạo về nhân bản,
- đào
tạo về đời sống thiêng liêng,
- đào
tạo về Thánh Kinh và Thần học,
- đào tạo về tâm lý, xã hội, giáo dục, truyền thông
và sư phạm.
4. Môi
trường và trách nhiệm đào tạo
Giáo lý viên
cần được đào tạo giữa lòng cộng đoàn Kitô hữu, trong các trường dành riêng cho
giáo lý viên thông thường và các trường chuyên môn dành cho những người có
trách nhiệm cũng như các trung tâm cao cấp dành cho các chuyên viên huấn giáo.
Cộng đoàn Kitô hữu
Cộng đoàn giáo xứ là nơi đầu tiên giáo lý
viên kinh nghiệm về ơn gọi phục vụ và phát triển tinh thần tông đồ. Cộng đoàn
có thể đào tạo giáo lý viên theo nhiều kiểu:
a/ Nuôi dưỡng ơn gọi phục vụ, bằng cách
giúp họ luôn ý thức mình được Hội Thánh sai đi;
b/ Mang lại sự trưởng thành đức tin qua lộ
trình bình thường
hay một lộ trình khác dành cho họ;
c/ Chuẩn bị trực tiếp cho việc dạy giáo
lý,
do một nhóm giáo lý viên thực hiện;
d/ Mở các khóa linh hoạt, tĩnh tâm, gặp gỡ
và các hội thảo chuyên đề.
Trường dành cho giáo
lý viên
Trường này thường được tổ chức làm 2 cấp:
a/ cấp một, đào tạo căn bản, có tổ chức và
hệ thống
cho giáo lý viên trong các giáo xứ;
b/ cấp hai, đào tạo những người phụ trách
về huấn giáo
trong các giáo xứ hay giáo hạt.
Trung tâm cao cấp dành
cho chuyên viên huấn giáo
Đó là các học viện cao cấp về mục vụ giáo lý, cấp quốc gia hay
quốc tế, nhằm đào tạo người linh hoạt giáo lý trong giáo lý phận hay hội dòng,
giáo sư về huấn giáo cho các chủng viện hay các trường, các trung tâm đào tạo.
Bản Hướng Dẫn của Bộ Giáo Sĩ 1997 đã xác
định khung đào tạo giáo lý viên trong Hội Thánh. Các giáo hội địa phương được
mời gọi vận dụng khung đào tạo đồng thời thích ứng nó với hoàn cảnh và nhu cầu
của địa phương. Hội đồng Giám mục Việt nam đã thực hiện việc này trong
Hướng dẫn Tổng quát việc Dạy Giáo lý tại Việt Nam năm 2017.
II. ĐẾN
HƯỚNG DẪN TỔNG QUÁT VIỆC DẠY GIÁO LÝ TẠI VIỆT NAM NĂM 2017 CỦA HỘI ĐỒNG GIÁM
MỤC
Trong bản Hướng Dẫn này, trưóc hết các
giám mục nhìn lại thực trạng của xã hội cũng như thực trạng của việc dạy giáo
lý, để thấy được nhu cầu thực tế và thách đố trong việc dạy giáo lý (ss.18-23).
Sau khi điểm lại từng lãnh vực, các ngài nhận định như sau:
1. Bối cảnh đào tạo
1.1 Não trạng thế tục đang len lỏi
vào đời sống đức tin của các tín hữu, một não trạng muốn gạt bỏ Thiên Chúa ra
khỏi đời sống cá nhân, gia đình và xã hội. Trong khi đó, việc dạy giáo lý chú
trọng đến việc cung cấp kiến thức, mà không quan tâm đầy đủ đến các mối tương
quan, hình thức trình bày chủ yếu là thuyết giảng khô khan, thiếu sinh động.
Điều này đòi hỏi huấn giáo phải chuyển trọng tâm từ cung cấp kiến thức sang xây
dựng mối tương quan thân tình với Thiên Chúa và tha nhân.
1.2
Con người
hôm nay bị mê hoặc bởi lối sống hưởng thụ và ích kỷ, xem thường những giá trị
nhân bản và tôn giáo; kết cuộc là đạo đức suy thoái, lương tâm bị coi rẻ và
nhân phẩm bị xúc phạm. Trong khi đó, việc dạy giáo lý chỉ loay hoay với
“tin-xin-giữ-chịu”, không màng chi đến các vấn đề xã hội; hệ quả là khoảng cách
giữa đức tin và cuộc sống nơi các tín hữu ngày càng xa. Điều này đòi hỏi việc
dạy giáo lý quan tâm hơn đến các vấn đề xã hội và giúp học viên có khả năng
khám phá ra ý nghĩa của các dấu chỉ thời đại.
1.3
Người Việt quý trọng sự sống, ăn ngay ở
lành và sống hài hòa với mọi người, dễ chủ trương “đạo nào cũng là đạo”, thường
mộ đạo và giữ đạo hơn là hiểu đạo và sống đạo. Trong khi đó, việc dạy
giáo lý chăm lo cho tín hữu lãnh nhận bí tích hơn là giúp họ lớn lên và trưởng
thành trong đức tin. Điều này đòi hỏi việc dạy và học giáo lý phải thường xuyên
hơn, nhằm mục đích giúp tín hữu cũng như cộng đoàn tín hữu tăng trưởng và trưởng thành trong đức tin.
1.4
Trên đất nước chúng ta, người trẻ chiếm đa số. Họ là những con người năng động và sáng
tạo, đam mê khoa học kỹ thuật qua việc tìm tòi và học hỏi, thế
nhưng nhiều bạn trẻ yêu chuộng công nghệ thông tin đến độ không còn quan tâm
nhiều đến các mối quan hệ gia đình và xã hội, say mê cái đẹp qua việc chạy theo
các thần tượng và bị mê hoặc bởi sự chiếm hữu và hưởng thụ. Trong khi đó, việc
dạy giáo lý vẫn chưa hấp dẫn được người trẻ. Điều này đòi hỏi việc dạy
giáo lý phải sinh động và hấp dẫn hơn, nhờ vận dụng hữu hiệu các phương
tiện truyền thông.
1.5
Đất nước ta
có nhiều người nghèo, nhiều dân tộc, nhiều nền văn hóa, nhiều tôn giáo khác
nhau và người vô thần; những khác biệt vừa có thể làm cho đời sống phong phú,
vừa có nguy cơ dẫn đến xung đột. Trong
khi đó, việc dạy giáo lý chưa quan tâm đến việc đối thoại với người nghèo, với
các nền văn hóa, với các tôn giáo và với người vô thần. Điều này
đòi hỏi giáo lý viên giúp người học có
khả năng đối thoại và hòa giải để xây dựng Vương Quốc của Thiên Chúa nơi trần
gian.
Bối cảnh trên cho thấy Kitô hữu nói chung (do ơn gọi nên thánh) và giáo lý viên
nói riêng (do ơn gọi phục vụ qua việc dạy giáo lý) cần phải được huấn luyện để
có được mối
tương quan thân tình hơn với Thiên Chúa (chiều sâu) và tha nhân, bao gồm anh
chị em trong Hội Thánh cũng như mọi người chung quanh (chiều rộng) đồng thời
phải được huấn luyện thường xuyên trong suốt hành trình đức tin của mình (chiều
dài) hướng đến một đức tin trưởng thành mà hoa trái của nó chính là truyền
giáo.
2. Định hướng cho việc dạy
giáo lý cũng như đào tạo giáo lý viên
Ngay
trong Đại Hội Dân Chúa năm 2010, các giám mục đã khám phá ra phương thức tốt
nhất để có thể hoàn thành sứ vụ loan báo Tin Mừng trên mảnh đất này: “Khi nhìn vào hiện
trạng đất nước, nơi người Công giáo Việt Nam đang sống và thi hành sứ vụ loan
báo Tin Mừng, chúng tôi nhận ra rằng Hội Thánh tại Việt Nam cần phải
sống và thể hiện mầu nhiệm Hội Thánh như “dấu chỉ và khí cụ của
sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và hiệp nhất toàn thể nhân loại” (s.45).
Theo
đường hướng mục vụ này, “việc dạy giáo lý, xét như là công cuộc giáo dục đức
tin, phải góp phần vào việc đào tạo những Kitô hữu sống trọn vẹn mầu nhiệm hiệp
thông với ba chiều kích: với Thiên Chúa, với Hội Thánh và với mọi người” (s.46). Nếu như việc dạy giáo
lý có trách nhiệm đào tạo những Kitô hữu sống trọn vẹn mầu nhiệm hiệp thông,
thì bản thân giáo lý viên – người dạy giáo lý – càng phải được huấn luyện
để có khả năng sống trọn vẹn mầu nhiệm hiệp thông. Nói cách khác, công cuộc đào
tạo phải có khả năng biến đổi ứng sinh giáo lý viên trở thành những con người
của hiệp thông.
III. NHỮNG CHIỀU KÍCH ĐÀO TẠO
THEO MÔ HÌNH “HIỆP THÔNG”
1. Mô
hình “Hiệp Thông” đưa ứng sinh về lại cội nguồn của mình là Thiên Chúa và đi
sâu vào sự hiệp thông với Người.
Nguồn
mạch của sự hiệp thông xuất phát từ trong ý định của Thiên Chúa: “Thiên Chúa
nhân lành và khôn ngoan đã muốn mạc khải chính mình và tỏ cho mọi người biết
mầu nhiệm thánh ý Ngài ... để mời gọi và đón nhận họ hiệp thông với Ngài” (DV
2). Thánh ý của Chúa Cha đã được mạc khải trọn vẹn trong Chúa Giêsu và được
thực hiện bởi sức mạnh của Chúa Thánh Thần.
Nhờ
Bí tích Rửa Tội, các tín hữu được hiệp thông với Chúa Giêsu, và nhờ hiệp thông
với Chúa Giêsu trong mối dây yêu thương của Chúa Thánh Thần, họ được hiệp thông
với Chúa Cha, và từ sự hiệp thông này, tuôn chảy sự hiệp thông mà các
Kitô hữu chia sẻ với nhau nhờ Chúa Giêsu trong Chúa Thánh Thần (x. Ecclesia in
Asia, s.24).
2. Mô
hình “Hiệp Thông” dẫn ứng sinh đến với cộng đoàn Hội Thánh
và đón nhận Hội thánh.
Sự
hiệp thông với Thiên Chúa khơi nguồn cho sự hiệp thông giữa các Kitô hữu với
nhau trong cộng đoàn Hội Thánh. Là thành phần của Hội Thánh, ứng sinh luôn ý
thức mình thuộc về Hội Thánh và góp phần xây dựng Hội Thánh, tích cực tham gia vào
đời sống và sứ vụ của Hội Thánh trong tinh thần trách nhiệm và hiệp thông. Ứng sinh còn được giúp
đỡ để có cùng một ý thức sống động và thiết thực về Tin Mừng như Hội Thánh, nhờ
đó họ có thể truyền đạt Tin Mừng nhân danh Hội Thánh.
3. Mô hình “Hiệp
Thông” giúp ứng sinh biết hiệp thông với mọi người
bằng đối thoại và
cùng với mọi người phục vụ cho thiện ích chung.
Hiệp thông với Ba Ngôi dẫn ứng sinh
đến hiệp
thông với
Hội Thánh, và từ sự hiệp thông này, ứng sinh được mời gọi cùng với Hội Thánh
trở thành “dấu chỉ và khí cụ xây dựng sự kết hợp mật thiết với Thiên Chúa và
hiệp nhất toàn thể nhân loại”, loan báo và hiện thực Vương Quốc của Thiên Chúa
bằng con đường đối thoại và cộng tác với mọi người nhằm phục vụ cho công ích và
sự sống.
Ba
chiều kích đào tạo giáo lý viên theo mô hình “Hiệp Thông” trên đây sẽ được các
giám mục thuyết trình viên soi sáng và hướng dẫn. Các nhà đào tạo chắc hẳn sẽ
tìm được từ kinh nghiệm thâm hậu của các ngài những con đường giúp ứng sinh
giáo lý viên bước vào sự hiệp thông với Thiên Chúa, với Hội Thánh và với mọi
người.
Một
khi ứng sinh giáo lý viên được giúp đỡ để sống trọn vẹn mầu nhiệm hiệp thông
thì tâm hồn của họ sẽ tràn ngập niềm vui, đồng thời được thúc bách đi ra và
đến với mọi người, nhất là những người nghèo và những người bị loại trừ, để đem
ơn cứu độ của Thiên Chúa đến với họ. Lúc bấy giờ các ứng sinh sẽ là những giáo
lý viên, chứng nhân của niềm vui Tin Mừng cho anh chị em ngay trong lòng của
Hội Thánh cũng như cho chính đồng bào của mình.
THAY
LỜI KẾT
Nếu các nhà đào tạo muốn tầm sư học đạo, thì nhà đào tạo
bậc thầy không ai khác hơn là Chúa Giêsu. Chỉ cần bước theo và chiêm ngắm Ngài
trong cuộc đồng hành với hai môn đệ Em-mau, chúng ta sẽ học được phương thức
tốt nhất để huấn luyện.
Trong câu chuyện Tin Mừng này, Chúa Giêsu chủ động bước
đến, cùng đi, lắng nghe, hỏi han và đồng cảm với hai môn đệ, những người không
thuộc nhóm Mười Mười Một, nhưng từ lâu đã tham gia vào tác vụ tông đồ của các
vị này.
Sau khi hiểu được tâm tư cũng như ước nguyện của hai ông,
Chúa bắt đầu dùng các đoạn nói về Ngài trong Sách Thánh để giải thích cho hai
ông hiểu Đức Kitô phải chịu nạn chịu chết rồi mới phục sinh vinh hiển. Những
lời Chúa nói đã làm cho tâm hồn hai ông bùng cháy lên, nhưng mắt hai ông còn bị
ngăn cản, vẫn chưa nhận ra Ngài. Phải đợi cho đến khi Chúa ngồi vào bàn, cầm lấy
bánh, bẻ ra và trao cho họ, mắt của họ liền mở ra
và họ nhận ra Người.
Khi hai môn đệ vừa nhận ra Ngài, Chúa Giêsu biến mất. Khoảng
trống, khoảng lặng, khoảng cách mà Chúa Giêsu tạo ra thực sự là một không gian
của tự do và sáng tạo để hai môn đệ cân nhắc và quyết định xem họ phải làm gì
trong hoàn cảnh này.
Trong ánh sáng của lòng tin và kinh nghiệm gặp
gỡ Chúa Giêsu Phục sinh, hai môn đệ xác tín về ơn gọi phục vụ của mình. Họ
lập tức đứng dậy và quay trở về Giê-ru-sa-lem, nơi xuất phát của lời rao
giảng của các Tông Đồ, trước tiên không phải để loan báo mà để được
nghe Nhóm Mười Một công bố Tin mừng Phục sinh: "Chúa trỗi dậy thật rồi, và
đã hiện ra với ông Si-môn" (c.34); rồi cả hai môn đệ mới thuật lạicho mọi người
kinh nghiệm của mình về Chúa Giêsu Phục sinh. Rõ ràng lời chứng của hai môn đệ
khả tín không do kinh nghiệm riêng của các ngài, nhưng do chứng
tá của các Tông Đồ và của cộng đoàn tín hữu đầu tiên. Cũng thế, giáo lý
viên rao giảng và làm chứng cho Chúa Giêsu cùng với Giáo Hội và trong Giáo Hội.
Nói đến đào tạo là nói đến biến đổi, nói đến tiến trình biến
đổi. Sự biến đổi và tiến trình biến đổi toàn diện nơi hai môn đệ cho thấy Chúa
Giêsu thực sự là nhà đào tạo tuyệt vời.
Lm
Phêrô Nguyễn Văn Hiền
29.08.2017
NGUỒN : Giaolyductin.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét