TÔI ĐI HỌC GIÁO LÝ
Từ ngày 5 đến ngày 8 tháng 1 năm 2018, tôi đi
dự khóa huấn luyện Giáo Lý
Viên do dòng Notre Dame de Vie tổ chức, với sự hướng dẫn của các linh
mục Benoit, Emmanuel,Walter và các giáo sư Valtraud, Anne Marie, Myriam và
Garin.
Thực sự tôi cũng chỉ là một giáo lý viên tay mơ, lúc dạy lúc không. Khi được đề nghị đi
dự, được biết là miễn phí hết, giáo sư nước ngoài dạy, dự 4 ngày, ăn ở khách
sạn. Tôi chịu liền: Đi cho biết, được ăn ở miễn phí, cứ như đi du lịch.
Tội gì không đi.
Mấy ngày sau, nhìn lại, tôi mới thấy việc được
đi dự như một lời Chúa kêu gọi. Nhưng cách tôi đáp trả hết sức tầm thường,
hoàn toàn thế tục, như thánh Phao lô nói: “Thiên Chúa của họ là cái bụng”.
Ngoài việc học, tôi thấy như một tuần tĩnh tâm: Không kể các giờ ăn uống, ngủ nghỉ, Buổi sáng
sau khi thức dậy, 6g30 chúng tôi đọc kinh phụng vụ rồi học về Mục đích việc dạy
Giáo lý, Nền tảng đời sống thiêng liêng, Đời sống đức tin, Ân sủng, Cách đọc Kinh Thánh, Ân sủng và Đức
Tin...
Chú giải và suy niệm Kinh Thánh: Ơn gọi của
Samuel
(1Sam 3,1-21),Tội nguyên tổ (St
4,1-16), Chúa
gọi các tông đồ đầu tiên
(Ga 1,35-51), Người Đàn bà băng
huyết (Mc5,25-34), Lễ Hiển Linh ( Mt 2,1-12; Mc 1, 7-11).Chú giải từng câu,
từng từ quan trọng. Chúng tôi như nếm được vị ngọt của Lời Chúa.
Mỗi sáng, sau các bài học về giáo lý hay suy
niệm Tin mừng, chúng tôi có giờ cầu nguyện, thinh lặng và 11g Thánh lễ. Riêng Chúa nhật, lễ Hiển Linh, chúng tôi đến nhà thờ Gò Mây tham dự thánh lễ trọng thể cùng với giáo dân, do đức tổng giám mục Saigòn chủ tọa.
Lúc cầu nguyện, trong thinh lặng, được hướng ý cầu nguyện, chúng
tôi cũng có nhiều khám phá mới:
. Là bạn thân với Chúa thì phải chia sẻ tất cả
mọi chuyện: vui buồn, sướng khổ… Thế mới là bạn thân.
.Nếu là "sao", ta sẽ chẳng bao giờ
thấy được ánh sao. Nếu là vua, ta sẽ chẳng bao giờ gặp được đức vua.
. Trong thánh lễ, cha Emmanuel còn giảng về dấu Thánh Giá. Ta làm dấu thánh giá từ
khi bập bẹ biết nói. Mỗi ngày ta làm dấu thánh giá bao nhiêu lần...Nhưng tôi
thấy bao nhiêu cái miệng há hốc, nghe cha giảng: Nhân danh Cha, ta đặt tay trên trán, nguồn gốc mọi suy nghĩ, nơi cao nhất. Và Con, ta đưa tay xuống bụng.Lần đầu tiên tôi thấy làm dấu đặt tay trên bụng. Nhưng cha giải thích, Chúa Cha cho Con ngài xuống làm
người, sinh nơi cung lòng trinh nữ Maria: Verbum caro factum
est. Lát nữa đây, ta cũng đón Chúa vào lòng ta. Và Thánh Thần, ta đặt tay lên 2 vai: Chúa Thánh Thần sẽ mang giúp gánh nặng
đôi vai của ta mỗi ngày. 69 tuổi đời, lần đầu tiên tôi nghe giải thích về dấu Thánh giá như vậy. Tạ
ơn Chúa.
Đêm thứ bảy, trước lễ Hiển Linh, tôi hơi khó
ngủ. Nằm mơ màng, tôi nghĩ về ánh sao lạ, tôi lẩm nhẩm, hát cho mình nghe bản thánh ca quen thuộc: Đêm thánh vô cùng , nhưng bằng tiếng pháp:
Douce nuit, sainte nuit,
Dans les cieux lustre luit.
Le mystère annoncé s'accomplit.
Cet enfant sur la paille endormi,
C'est l'amour infini.
C'est l'amour infini.
Chẳng phải tôi muốn khoe vốn tiếng pháp ba rọi của mình đâu. Nhưng bản thánh ca tiếng việt hoặc tiếng anh không nói về ánh sao:"Dans les cieux, lustre luit"
( Trên trời ánh sao chiếu dọi). Cứ lâm râm tôi hát, và tôi
không ngủ đi được. Tôi cảm thấy hơi mệt.
Nhưng sáng hôm sau cha Walter nói về cầu nguyện. Ngài nói ngài phải
cầu nguyện mỗi ngày 2 giờ. Buổi tối, trước khi đi ngủ, ngài mới cầu nguyện, nhưng ngài lại bận tâm đến bài chia sẻ sáng ngày mai.
Thế là đang cầu nguyện ngài lại lo lắng: ngày mai nói gì. Biết có diễn tả hết
không. Biết các học viên có hiểu hết không. Biết ngươi dịch có dịch hết ý mình không. Rồi ngài lại lo ngày mai ăn gì, vì hôm trước thực phẩm không
hợp với ngài lắm… Nhưng rồi ngài cũng kết thúc buổi cầu
nguyện với tất cả những
bận tâm, những chia trí đó.
Nhưng cũng từ đó, tôi thấy rằng nếu như hôm
trước tôi được cha Walter cho biết điều này, thì tôi đã ngủ yên trong Chúa, trong lời cầu nguyện. Không băn khoăn bứt
rứt và bực bội như vậy.
Cha Emmanuel còn minh họa việc cầu nguyện bằng một hình vẽ: ở giữa là một hình tròn, tượng trưng Thiên Chúa. Khi cầu nguyện ta từ
ngoài đi vào, ngài minh họa bằng một đường cong chỉ vào vòng tròn. Thế rồi ta
chia trí, ngài vẽ một đường cong đi ra.Rồi lại đi vào, rồi lại đi ra. Cứ như thế, đi ra, đi vào, đi ra, đi vào. Cuối cùng hình vẽ kết thúc như một bông hoa nhiều cánh. Nếu biểu hiện việc cầu nguyện của tôi, chắc phải vẽ thành
một bông cúc đại đóa, hay thậm chí bằng
cả một bó hoa.
Và cũng từ đó tôi thấy bớt ngại cầu nguyện.
Bằng chứng là mỗi sáng chúng tôi cầu nguyện một giờ mà không thấy sốt ruột. Một
giờ, quả là một điều nặng nề, mệt mỏi đối với tôi trước đây.
Thật khó nói với người già và trẻ em về việc
cầu nguyện bằng thinh lặng.Người già cho rằng cầu nguyện là phải đọc kinh, đọc
thật nhiều kinh, có khi là đọc to tiếng. Họ không vui khi nghe nói:" Khi
cầu nguyện, anh em đừng lải nhải như dân ngoại, họ nghĩ rằng cứ nói nhiều là
được nhận lời"(Mt 6,7). Còn trẻ em, thinh lặng là chúng ngọ nguậy,
chọc phá nhau. Nhưng với tôi, bây giờ cầu nguyện thinh lặng là một niềm vui,
niềm hạnh phúc.
Chúng tôi còn được giới thiệu về hội dòng
Notre Dame de Vie, một hội dòng chuyên lo dạy
Giáo lý . Hội dòng được thành lập do
chân phước Marie Eugène, một linh muc người pháp; Ngài
gia nhập dòng Carmêlô. Ngài
say mê linh đạo của các thánh Têrêsa Avila,thánh Gioan Thánh giá, thánh Têrêsa
Hài Đồng Giêsu.
Năm 1932 , cùng với Maria
Pila, ngài thành lập dòng Notre Dame de Vie này- Nữ Vương Sư Sống-
tại Venasque, Pháp. Năm
1954 ngài cũng đã đến dòng Carmêlô
ở Sài gòn.
Tối Chúa nhật lễ Hiển Linh, trong buổi canh
thức, Sau khi diễn lại cảnh các đạo sĩ đến thờ lạy và dâng lễ vật cho Hài nhi Giêsu, giáo sư Anne Marie còn phát cho chúng tôi mỗi
người một ngôi sao bằng giấy để chúng tôi trang trí hoặc ghi vào đó lời cầu
nguyện hoặc tâm tình của mình. Sau đó lần lượt lên hôn Chúa Hài Đồng, rồi mọi
người dán ngôi sao của mình lên một tấm bảng. Lúc này, đó là một bầu trời đầy sao,
chứ không phải chỉ là một ánh sao.
Cha Emmanuel còn đóng vai
cha Marie Eugène, môt xơ dòng Trinh Vương, xơ Ngân, đóng vai thánh Têrêsa Hài
Đồng Giêsu,
để đàm đạo với cha, để nói lên linh đạo của
thánh nữ và của hội dòng. Có nhiều thắc mắc. Chắc hẳn có nhiều GLV muốn gia
nhập. Hiện thời ở Việt Nam,
dòng mới chỉ có 3 thày phó tế: Thày Nhàn, Thày Sang và thày Dũng.
Nhìn lại mình, tôi mới thấy "Tất cả là
hồng ân". Hôm trước khi tôi đi, bà xã
đã chuẩn bị cho tôi 4 bộ quần áo, 4 quần đùi. Đi 4 ngày mà, cả khăn tắm,
bàn chải , kem đánh răng, hơn 30 gói dầu gội, cả 2 bàn cạo râu... Tôi nghĩ đó
là chuyện bình thường như bao nhiêu chuyện bình thường khác. Các cụ dạy "xuất
giá tòng phu". Hay như lời thánh Phaolô"Chồng là đầu của vợ"(Ep
5, 22-23). Vậy thì có gì lạ khi vợ lo cho chồng đâu. Nhưng giờ đây tôi lại thấy
đó là tình yêu Thiên Chúa. Chính Chúa gởi người vợ này đến cho tôi. Nàng vui vẻ
phục vụ, không phàn nàn, than vãn. Ba mươi lăm năm chung sống, 6 mặt con. Chưa
bao giờ đánh nhau hay cãi nhau, chỉ giận nhau 3 lần. Ân phúc là vậy mà mấy khi
tôi ý thức. Giờ đây, mỗi sáng uống ly cà phê vợ pha cho, tôi cảm nghiệm ngay
tình yêu Thiên Chúa. Và còn bao hồng ân khác nữa.
Nếu lý do đầu tiên tôi đáp lại lời mời
đi dự khóa giáo lý là vì "cái bụng": được ăn uống , ngủ nghỉ miễn phí
4 ngày.Thì sau đó tôi đã nhận ra mình may mắn và giờ đây tôi cảm nhận đó là một
hồng ân.Trong suốt những ngày huấn luyện,chúng tôi đọc kinh thánh, suy niệm,
nghe chú giải kinh thánh: ‘Thiên Chúa là Tình yêu".Giờ đây tôi cảm
nghiệm, tôi như thấy, như rờ được Tình yêu Thiên Chúa.Tình yêu vô biên, tình
yêu vô vị lời, tình yêu nhưng không.Tôi thấy Thiên Chúa tình yêu qua các nhà tổ
chức, các linh mục, các giáo sư, các người dịch, các thầy, các xơ, các giáo lý
viên, các nhà tài trợ, các nhà hảo tâm, các người giúp chúng tôi ăn uống, ngủ
nghỉ, cả những người dọn bàn ăn, những người rửa chén nữa,… để chúng tôi đến
đây gặp Chúa. Tôi nghe như tất cả đang nói với chúng tôi, như thánh Phaolô:“Caritas
Christi urget nos".Tình yêu Chúa Kitô thúc bách chúng tôi.
Tôi muốn hát lên bài L'amour c'est pour rien
để tạ ơn Thiên Chúa và cảm ơn mọi người.
L'amour c'est pour rien .
Tu ne peux pas le vendre.
L'amour c'est pour rien.
Tu ne peux l'acheter.
Thực ra tôi thích lời pháp vì nó nhẹ nhàng,
thi vị hơn. (Tình yêu vô vị lợi, Tình yêu nhưng không) trong khi nhạc sĩ Phạm
Duy trước năm 1975 đặt lời việt: Tình cho không, biếu không. Nghe sao nó mộc
mạc và xoàng xĩnh quá, “bèo” quá. Tôi " rửa tội" cho bài hát đó:
Tình yêu cao quý thay.
Muôn vàn ơn phúc luôn tràn đầy.
Tình yêu, ôi thánh thiêng.
Chớ nên mua bán, đổi thay.
Về nhà, sau khóa huấn luyện, tôi vẫn còn nhận
ra ơn Chúa.
Nhà tôi gần nhà thờ, vì thế mà tôi thường gọi Chúa
bằng anh.
Một giờ trưa mỗi ngày có khoảng hơn mười cụ dòng ba Đa
minh, phần đông là các cụ bà, đến nhà thờ đọc kinh, đọc kinh phụng vụ, kinh chiều.
Chuyện đọc kinh, đọc sách, chuyện đi nhà thờ là chuyện của các cụ già rỗi rãi,
hết sức lao động, không có việc gì làm. Tôi chẳng quan tâm. Nhưng sau ngày đi dự
khóa huấn luyện về, tự dưng như có một động lực nào đó lôi kéo tôi vào nhà thờ
đọc kinh với các cụ. Hôm sau tôi đi mua một cuốn Phụng vụ các giờ kinh và bây
giờ tôi là người tham dự trẻ nhất trong nhóm: 69 tuổi. Mỗi ngày đúng một giờ,
áo quần chỉnh tề, áo trong thùng, đi sandal tôi vào cầu nguyện. Trong khi nhiều
cụ bà mặc đồ bộ, xực mùi mồ hôi hoặc dầu xanh.
Một ơn phúc khác.
Tôi có một cháu ngoại. Cháu gái mới 2 tuổi, nhưng
cháu rất dẻo miệng, hỏi đủ chuyện, nói líu lo suốt ngày ( có lẽ do gen của
mẹ nó). Mỗi khi cháu về là cháu khoanh tay : Con chào ông ngoại. Con yêu ông
ngoại lắm. Hơi ngạc nhiên về sự rành rọt của nó, tôi cũng phải khoanh tay lại:
Cát Minh ơi, ông ngoại yêu Cát Minh lắm. ( Bố mẹ nó đặt tên nó là Cát
Minh, không biết có phải muốn cho nó đi dòng Cát Minh, dòng Ca mê lô không. Để
nó lớn, giới thiệu vào dòng Notre Dame de Vie).
Thì ra tình yêu đơn giản như rứa.Tình thân giản dị là vậy.
Tôi nhớ lại những lời cầu nguyện với Chúa Giêsu: Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến
Chúa. Giêsu ơi, con yêu mến Chúa.
Chúa ban cho tôi nhiều quá. Xin muôn đời tạ ơn Ngài.
Nguyễn Đức Lân
GPKONTUM (14/01/2018) KONTUM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét