Lễ Đêm Năm B
Is 9,1-6; Tt 2,11-14; Lc 2,1-14
CON ĐƯỜNG GIA ĐÌNH
Bài giảng
Anh chị em thân mến,
Đêm nay chúng ta hân hoan mừng kỷ niệm giáng sinh của Đức
Giêsu, Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Đối với một số anh chị em còn xa lạ
với Kitô giáo, thì đây là điều khó hiểu và cũng khó chấp nhận, bởi lẽ làm gì có
chuyện Thiên Chúa làm người như chúng ta. Đối với dân Hy-lạp vốn nặng suy tư
triết học, họ cho rằng nói đến việc Thiên Chúa làm người là hạ bệ Thiên Chúa,
là xúc phạm thần linh, là cớ gây vấp phạm cho người phàm. Đối với họ đây là điều
không thể chấp nhận được. Thần thánh có quê hương riêng của họ là núi Ôlempia.
Họa hoằn lắm mới có một vị thần bị sa thải vì phạm kỷ luật, bị đày ải xuống trần
gian thọ phạt, chờ ngày phục chức.
Thế nhưng trong lịch sử nhân loại đã có một lần Thiên Chúa
giáng trần để cứu độ trần gian, câu chuyện Thiên Chúa nhập tịch gia đình nhân
loại được cả thế giới biết đến, và nhân loại nhớ ơn lần thăm viếng đó nên đã tổ
chức hằng năm rất long trọng ngày Chúa Giáng Sinh (25 tháng 12). Câu chuyện
Thiên Chúa xuống thế làm người, được Mẹ Maria sinh ra trong hang lừa máng cỏ,
có các mục đồng đến thờ lạy và sao lạ xuất hiện trên bầu trời trong đêm đông
giá rét dẫn đường cho các đạo sĩ đông phương đến kính viếng, trở thành kinh điển
trong văn hóa nhân loại, mấy ai mà không biết đến biến cố này (x. Tin Mừng Lc
2,1-14). Hôm nay chúng ta nhìn lại con đường Đức Giêsu đi đến với trần gian.
Gia đình là con đường dẫn Chúa Giêsu đến với nhân loại. Là
Thiên Chúa, Đức Giêsu đủ quyền năng hành động theo tầm vóc thần thiêng của
mình. Người có thể chọn cách xuất hiện hoành tráng và uy nghi phù hợp với quyền
năng của Thiên Chúa. Người đã không làm như thế, Người chọn cách thế nhân loại,
sinh ra bởi một phụ nữ, trong một gia đình lao động bình dân, có người cha pháp
lý là thánh Giuse, sống đời lao động và lớn lên như bất cứ trẻ em Do thái nào.
Gia đình là con đường bình dị và thiết yếu để Người nhập tịch cuộc sống nhân loại.
Bất cứ ai làm người cũng đều đi qua con đường đó, nơi xuất thân mọi con người.
Con Thiên Chúa sinh ra rất ‘người’ như bao nhiêu trẻ khác, nhưng lại rất kỳ bí
và mầu nhiệm, vì mẹ Người thụ thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần. Cái bình
dị đan xen với quyền năng của thần thánh.
Trong lịch sử cứu độ thời Cựu Ước, cũng đã có những cuộc sinh
nở lạ lùng như thế, những nhân vật lừng danh tô đậm lịch sử cứu độ, đều ngang
qua con đường gia đình. Gia đình ông Ápraham và bà Xara sinh con đầu lòng là Ixaác khi cả hai đều đã cao niên. Lớn
lên Ixaác đã vâng lời cha, để mình bị trói hiến tế cho Thiên Chúa, nhưng được
Thiên Chúa tha mạng vì lòng tin son sắt của ông Ápraham (x.St 21-22). Lòng tin
của người cha gia đình đã cứu dòng tộc Ápraham.
Con trẻ Samuen
chào đời do lời cầu nguyện tha thiết đêm ngày của bà mẹ già nua đạo đức, bà
Anna đã gặp tiên tri Êlia và ông đã chúc phúc cho bà để bà được sinh con. Lớn
lên Samuen được dâng cho Chúa, em trở thành tư tế của Chúa (1Sm 1,24-28). Ông
bà Manôác son sẻ, cao niên, đã được thần sứ của Thiên Chúa báo tin là sẽ sinh
con trai. “Này, bà là người son sẻ và
không sinh con, nhưng bà sẽ có thai và sinh một con trai”. (x.Tl 13,2-3).
Đó là Thủ lãnh Samsôn sẽ giải cứu
dân tộc Ítrael khỏi quân lính Philitinh (x. Tl 15,15). Bà Êlisabét mẹ của Gioan Tẩy Giả,
cũng đã thụ thai con trong lúc tuổi già. Lời sấm phán với tư tế Dacaria lúc
ông dâng hương trong đền thờ: “Êlisabét vợ
ông sẽ thụ thai và sinh cho ông một đứa con trai và ông phải đặt tên cho con là
Gioan” (Lc 1,6-13). Gioan lớn lên làm Tiền hô cho Chúa Cứu Thế.
Những câu chuyện trên đây, chuẩn bị chúng ta đón nhận mầu nhiệm
Ngôi Lời làm người và cư ngụ giữa chúng ta. Thiên Chúa quyền nămg Người hoàn
toàn tự do trong hành động: “Không có gì
mà Thiên Chúa không làm được”, như lời thiên sứ Gabirie nói với Đức Trinh Nữ
Maria vào ngày truyền tin. Thật vậy Đấng Sáng tạo ra con người và vũ trụ không
lệ thuộc luật sinh vật học.
Các câu chuyện sinh nở kỳ lạ nầy cho thấy:
1 - Lòng tin bất khuất của cha mẹ đối với Thiên Chúa là nền tảng
sinh phúc cho con cái. Gia đình của Ápraham, của Manôác, của Dacaria, của
Giuse, tuyệt đối tin tưởng và phó thác cho Thiên Chúa. Thiên Chúa gia ân cho
gia đình nhờ phúc đức của cha mẹ.
2- Thứ đến là bài học về Sự sống. Thiên Chúa gián trần như là
món quà sự sống trao ban cho nhân loại. Quà tặng là một Hài Nhi. Con cái là hồng
ân của Thiên Chúa. Cha mẹ cộng tác với Thiên Chúa trong việc chuyển thông sự sống,
chứ không phải tạo dựng sự sống vì sự sống thuộc về Thiên Chúa, và chỉ có Thiên
Chúa mới có sự sống mà thôi. Nhân loại phải tôn trọng sự sống, không được cướp
quyền của đấng Tạo hóa. Gia đình là tổ ấm, là chiếc nôi chuyển giao và ươm mầm
sự sống. Cho nên gia đình là môi trường phát sinh sự sống và đức tin, phát sinh
tình yêu thương và đức hạnh, do đó cần phải tránh xa việc khai tử thai nhi, vì
tội này đi ngược lại luật tự nhiên và ý muốn của Thiên Chúa. Hãy đứng về phía
văn minh sự sống, và bảo vệ sự sống ngay khi sự sống còn trứng nước. Đừng bao
giờ biến gia đình thành nghĩa trang chôn vùi con của mình. Đây là thứ tội quái
ác của thế kỷ chúng ta. Hãy loại bỏ văn minh sự chết. Bảo vệ hạnh phúc gia
đình.
3- Bậc làm cha mẹ có trách nhiệm nuôi dạy và giáo dục con cái
theo sự thật và lẽ công bình, tuân theo những nguyên tắc luân lý căn bản là:
làm lành lánh dữ mà Thiên Chúa ghi khắc trong tâm hồn của mỗi người. Thiên Chúa
nhập thể dạy cho nhân loại biết giá trị tuyệt đối về con người, nghĩa là mỗi
con người đều là giá trị tuyệt đối trước mặt Thiên Chúa, tức là không ai thay
thế cho ai được. Người dạy chúng ta biết tôn trọng sự sống, tôn trọng lẫn nhau,
biết sống theo sự thật và lẽ công bình. Gia đình đạo đức tất yếu dẫn đến xã hội
lành mạnh, bởi lẽ người ta không thể nào quan niệm được một xã hội lành mạnh vắng
bóng sự đóng góp của gia đình đức hạnh. Gia đình của Hài Đồng Giêsu là mô mẫu
cho mọi gia đình nhân loại. Hãy chiêm
ngưỡng và bắt chước cuộc sống của gia đình Nadarét. Hãy dùng con đường gia đình
để đi đến với Thiên Chúa.
4 - Con trẻ Hài Đồng
Giêsu mang đến cho nhân loại một món quà vĩ đại đó là Thiên Chúa, món quà mà
nhân loại không thể cung cấp hay trao tặng cho nhau. Chỉ có Thiên Chúa mới có
thể ban tặng Thiên Chúa. Việc Thiên Chúa xuống thế làm người cho chúng ta am hiểu
Thiên Chúa là tình yêu, đồng thời mời gọi chúng ta nhận ra nhân phẩm của mình “Hỡi con người hãy nhận biết phẩm giá cao
quý của mình” (Thánh Irênêô). Thiên Chúa đã sinh ra trong gia đình nhân loại
để dạy chúng ta biết thánh hóa gia đình, và dùng con đường gia đình mà đi tới với
Thiên Chúa.
Cầu chúc gia đình anh chị em lễ Giáng Sinh đầy ân sủng và
bình an. Amen
Lm. Luy Gonzaga Nguyễn Quang Vinh
GX. Đức An - GP. Kontum
Ad Gentes KT - 22/12/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét