19/04/2022 -Thứ Ba Trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh
Bài Ðọc I: Cv 2, 36-41
“Anh em hãy ăn năn sám hối và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Ðức Kitô”.
Trích sách Tông đồ Công vụ.
Trong ngày lễ Ngũ Tuần, Phêrô nói với những người Do-thái rằng: “Xin toàn thể nhà Israel hãy nhận biết rằng: Thiên Chúa đã tôn Ðức Giêsu mà anh em đã đóng đinh, lên làm Chúa và làm Ðấng Kitô”. Nghe những lời nói trên, họ đau đớn trong lòng, nói cùng Phêrô và các Tông đồ khác rằng: “Thưa các ông, chúng tôi phải làm gì?” Phêrô nói với họ: “Anh em hãy ăn năn sắm hối, và mỗi người trong anh em hãy chịu phép rửa nhân danh Ðức Giêsu Kitô để được tha tội; và anh em sẽ nhận lãnh Thánh Thần. Vì chưng, đó là lời hứa cho anh em, con cái anh em và mọi người sống ở phương xa mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi đến!”
Phêrô còn minh chứng bằng nhiều lời khác nữa, và khuyên bảo họ rằng: “Anh em hãy cứu mình khỏi dòng dõi gian tà này”. Vậy những kẻ chấp nhận lời ngài giảng đều chịu phép rửa, và ngày hôm ấy có thêm chừng ba ngàn người gia nhập đạo.
Ðó là lời Chúa.
Lời Chúa: Ga 20, 11-18
“Tôi đã trông thấy và Người đã phán với tôi những điều ấy”.
Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.
Khi ấy, bà Maria đang còn đứng gần mồ Chúa mà than khóc. Nhìn vào trong mồ, bà thấy hai thiên thần mặc áo trắng đang ngồi nơi đã đặt xác Chúa Giêsu, một vị ngồi phía đàng đầu, một vị ngồi phía đàng chân. Hai vị hỏi: “Tại sao bà khóc?” Bà trả lời: “Người ta đã lấy mất xác Chúa tôi và tôi không biết người ta đã để Người ở đâu?” Vừa nói xong, bà quay mặt lại, thì thấy Chúa Giêsu đã đứng đó, nhưng bà chưa biết là Chúa Giêsu. Chúa Giêsu hỏi: “Bà kia, sao mà khóc, bà tìm ai?” Tưởng là người giữ vườn, Maria thưa: “Thưa ông, nếu ông đã mang xác Người đi, thì xin cho tôi biết ông đã đặt Người ở đâu, để tôi đến lấy xác Người”. Chúa Giêsu gọi: “Maria”. Quay mặt lại, bà thưa Người: “Rabboni!” (nghĩa là “Lạy Thầy!”). Chúa Giêsu bảo bà: “Ðừng động đến Ta, vì Ta chưa về cùng Cha Ta. Nhưng hãy đi báo tin cho các anh em Ta hay và bảo họ rằng: Ta về cùng Cha Ta, cũng là Cha các con; về cùng Thiên Chúa Ta, cũng là Thiên Chúa các con”.
Maria Mađalêna đi báo tin cho các môn đệ rằng: “Tôi đã trông thấy Chúa và Chúa đã phán với tôi những điều ấy”.
Ðó là lời Chúa.
*Đọc Giờ Kinh Phụng Vụ link: CGKPV
Suy niệm: Linh mục Giuse Nguyễn Hữu Triết
“Cô Maria Macđala đi báo cho các môn đệ:
tôi đã thấy Chúa và cô kể lại những điều Chúa nói với cô”
1/ Hai điều cơ bản trong hoạt động truyền giáo: Nói cho mọi người “Tôi đã thấy Chúa” và “kể lại cho họ những điều Chúa nói với ta”.
2/ Truyền giáo là “lẽ sống” của Giáo hội, như sắc lệnh về Truyền giáo (Ad Gentes) đã xác định: “Bản chất của Giáo hội lữ hành là Truyền giáo” (AG số 2).
Thánh Phaolô kêu lên: “Khốn thân tôi nếu tôi không truyền giáo” (1Cr 9, 16).
3/ Bạn có dám quả quyết: “Tôi đã thấy Chúa?” (Chúa đã về trời từ hơn 2.000 năm nay.)
– Có nhiều kiểu “thấy” không phải chỉ nhìn rõ hình hài… mới gọi là “thấy”. Một người mù thì ‘thấy’ người ta qua lời nói. Bạn có thấy Chúa nói với bạn qua tiếng lương tâm và qua lời Chúa trong Thánh Kinh (Thánh Kinh chính là Lời Chúa). Mỗi khi thừa tác viên đọc xong bài sách thánh, thì xướng lên: “Đó là Lời Chúa”.
– Thấy qua tác phẩm, nhìn một bức tranh có chữ ký của tác giả, ta thấy tác giả đó.
Thánh Vịnh 18 viết: “Trời xanh tường thuật vinh quang Chúa, không trung kể lại việc tay Người làm…”
Isaac Newton nói: “Tôi thấy Chúa đi lại trước viễn vọng kính của tôi” (Còn Gagarin, phi hành gia Nga đầu tiên bay lên không trung… thì tuyến bố: “Tôi đã lên trời mà không thấy Đức Chúa trời đâu cả”).
– Nữ thánh Têrêsa HĐG thì thấy Chúa qua đàn gà con núp vào cánh gà mẹ…
Chúa Giêsu cho chúng ta biết kiểu thấy Chúa qua hình ảnh anh chị em quanh ta nhất là những người bé mọn: “Mỗi lần anh chị em làm gì cho họ là làm cho chính Ta” (Mt 25, 40).
4/ Kể lại cho mọi người những gì Chúa nói với ta.
Có thể kể bằng lời, kể bằng ngòi bút, kể bằng gương sống, kể bằng hành động bác ái yêu thương, khiêm nhường phục vụ. Ngành kịch câm, chẳng nói 1 lời, chỉ thấy những cử chỉ, động tác, thế mà người ta hiểu được tác giả muốn nó gì… tặng bạn 1 tập “bướm truyền giáo” là cách kể hiệu nghiệm… tóm lại có rất nhiều cách kể… chỉ sợ không muốn kể hoặc không dám kể. (những kẻ không dám hiên ngang sống đạo)
Tiến sỹ vật lý nguyên tử học Phan như Ngọc, hơn 50 năm được đào tạo trong lò vô tín… tình cờ gặp một kitô hữu, được tặng cuốn Thánh Kinh và vài “bướm truyền giao”. Đọc rồi suy nghĩ… cuối cùng đón nhận đức tin… Ông viết lên mạng cuộc trở về của ông để chia sẻ cho mọi người.
Thánh nữ Maria Macđala… Cầu cho chúng con.
WGPKT(17/04/2022) KONTUM
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét