Thứ Hai, 24 tháng 9, 2018

Đức Thánh Cha Gặp Các Bạn Trẻ Tại Vilnius, Lituania

Đức Thánh Cha gặp các bạn trẻ tại Vilnius, Lituania



                                                                                                      NGUỒN: Vatican News – Tiếng Việt
                                                                                                       Published on Sep 23, 2018
                                                                                                        GPKONTUM (24/9/2018) KONTUM

Chỗ Ngồi Cao Nhất

Mùa Thường Niên Chúa Nhật 25 Năm B
Kn 2, 12.17-20; Gc 3,16-4,3; Mc 9, 30-37


CHỖ NGỒI CAO NHẤT

Nơi trung tâm lịch sử ơn cứu độ là cuộc tử nạn của Đức Giêsu, con đường đau khổ được ám tàng nói đến nhiều lần trong Kinh thánh, bàng bạc dưới nhiều hình thức khác nhau, qua nhiều câu chuyện của các nhân vật thời Cựu Ước. Tuần trước Chúa nhật 24B ngôn sứ Isaia đã trình bày Người tôi tớ đau khổ của Thiên Chúa bị chể diễu: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu …”, nhà tiên tri tuyên sấm về một chủ thể cá vị, bị lép vế, bị khinh miệt, nhưng kiên vững vì xác tín có Thiên Chúa phù trợ.
Cái khinh miệt tẩy chay và đàn áp không chỉ tuyên sấm cho một cá nhân nhưng cho cả một tập thể, một dân tộc. Bài sách Khôn Ngoan hôm nay nói đến chủ thể tập thể là dân Do-thái sống lưu vong giữa các dân ngoại mà vẫn trung thành thờ kính Thiên Chúa nên đã bị phường vô đạo chế nhạo: “Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó …. Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã, vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm” (x. Bài Đọc 1. Kn 2, 12.17-20). Câu hỏi bật lên là tại sao người sống trung tín với Thiên Chúa lại bị bạc đãi bị hành hạ chèn ép. Thánh Giacôbê tông đồ có cái nhìn sâu sắc về nguyên nhân sinh ra các thứ hằn học nầy: Ham muốn, ghen tương đố kỵ, sinh tranh chấp, gây xáo trộn và đủ mọi thứ việc xấu xa, đi đến chém giết nhau, “Anh em ham muốn mà không có, nên anh em chém giết, anh em ganh ghét cũng chẳng được gì nên anh em xung đột với nhau, gây chiến với nhau …”(x. Bài Đọc 2. Gc 3,16-4,3). Sự độc ác từ bên trong trào ra bên ngoài điển hình qua vụ án của Đức Giêsu.
Trích sách tiên tri Isaia và sách Khôn Ngoan chuẩn bị tâm lý cho chúng ta đón nhận việc Đức Giêsu báo thương khó lần thứ hai: “Con người sẽ bị nộp vào tay người đời, họ sẽ giết chết Người ….” (Bài Tin mừng Mc 9,30-37). Mặc dầu Đức Giêsu nói rõ như vậy mà các môn đệ của Người vẫn “không hiểu lời đó”. Tâm trí của các ông có vấn đề, họ đang tìm cho mình chỗ đứng tốt nhất, xem : “ Ai là người lớn hơn cả”. Cái nhìn trần thế ham muốn địa vị, ghen tỵ lẫn nhau, tranh chấp chỗ ngồi, khiến các ông không nhận ra sự thật đau thương mà Thầy sắp bước vào. Đúng là “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” (Nguyễn Du), hay đúng hơn con người tạo ra thế giới cho riêng mình (Heidegger), thế giới của Đức Giêsu sắp bước vào là thế giới hy sinh chịu chết để cứu chuộc nhân loại, thì hoàn toàn khác với thế giới của các môn đệ đang tranh chấp nhau chỗ ngồi và thứ bậc. Cái ích kỷ ham muốn quyền bính che lấp tâm trí các môn đệ đến nỗi họ không hiểu được ý nghĩa lời sấm của Đức Giêsu nói về con đường khổ nạn.
Tuy nhiên then chốt cuộc tranh luận là: “Ai là người lớn hơn cả?”. Ba lần Đức Giêsu loan báo cuộc tử nạn của Người, Người sẽ bị hạ nhục đến tự hủy ra không. Các môn đệ cạnh tranh nhau địa vị mà quên đi rằng chính Thầy Giêsu là người lớn nhất, Thầy đã không dành cho mình quyền lực và vinh quang, Thầy không đến để tranh chấp ngôi vị với con người, Thầy đến để phục vụ. Thật sự con người trần thế khó có thể đón nhận một Thiên Chúa của sự sống, của niềm vui và của hạnh phúc lại có thể đi trên con đường đau thương chết chóc.
Cái ‘gai’, chất ‘mật đắng’ trong lịch sử cứu độ làm cho môn đệ bỏ rơi Thầy và làm cho nhiều người từ chối Kitô giáo. Có cái gì đó mâu thuẫn khó đón nhận, khó nuốt trôi khi nghe Đức Giêsu khẳng định: “ Ai muốn làm người đứng đầu thì phải làm người rốt hết và làm người phục vụ mọi người” (c. 35). Đức Giêsu tái định nghĩa thế nào là làm lớn và Người ban quy luật đó cho những ai bước theo Người.
Đứa trẻ mà Đức Giêsu đặt giữa các môn đệ là dấu chỉ linh hoạt vừa nói lên địa vị rốt hết vừa nói lên tính đơn sơ và phó thác của trẻ em, chúng không vướng mắc hệ thống toan tính so đo hơn thiệt như người lớn tuổi thường rào trước đón sau. Các phẩm tính đó cũng là những tư cách cần thiết để vào Nước Trời, đó là đức khiêm hạ, tính chân thật và phó thác tuyệt đối cho Thiên Chúa. Trở nên trẻ nhỏ không phải là giản lược cung cách hành xử không suy nghĩ của trẻ nít. Chúng ta học nơi cử chỉ của Đức Giêsu đối với trẻ em đó là sự thân thiện và liên đới với tha nhân trong tôn trọng nhân phẩm con người.
Lạy Chúa Giêsu xin mở mắt con để con biết tôn trọng anh em con trong sự nghèo nàn và khốn khổ của họ, những mãnh đời đó phản ảnh chân dung của một Đức Kitô bị bỏ rơi. Amen
Lm. Luy Gonzaga NGUYỄN QUANG VINH
GX. ĐỨC AN – GP. KONTUM
GPKONTUM (20/9/2018) KONTUM



Thứ Hai, 17 tháng 9, 2018

Tin Không Vui

Mùa Thường Niên Chúa Nhật 24 Năm B
Is 50, 5-9a; Gc 2, 14-18; Mc 8, 27-35


TIN KHÔNG VUI
Tin buồn quan trọng nhất trong Kitô giáo được tiên tri Isaia nói tới tám trăm năm trước khi vụ việc xảy ra, ông giới thiệu cho chúng ta nhân vật ‘Người tôi tớ của Thiên Chúa’. Người tôi tớ này chấp nhận hy sinh, chịu nhục nhã, chịu đau khổ tư bề để thi hành sứ vụ của Thiên Chúa, sở dĩ nhân vật này chịu đựng được tất cả là vì có Thiên Chúa nâng đỡ và đứng về phía ông chống lại những người cáo buộc ông. “Tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui. Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu … Có Đức Chúa phù trợ tôi, vì thế tôi không hề hổ thẹn. Ai còn dám kết tội tôi?” (x. Bài Đọc 1. Is 50, 5-9a). Đó là bản phác họa ơn gọi của mọi tiên tri hôm qua cũng như hôm nay và mãi về sau, tức là bị người đời chèn ép bắt bớ và hành hạ, tất cả họ đều mang thân phận Người tôi tớ của Thiên Chúa, Người tôi tớ đau khổ. Đây cũng là hình tự thân của Đức Giêsu.
Và khi những Kitô hữu đầu tiên đọc lại lời sấm này dưới ánh sáng Phục sinh thì họ nhận ngay ra Người tôi tớ đau khổ mà tiên tri Isaia mô tả là chính Đức Giêsu thành Nadarét và vụ án của Người đã diễn ra trong tuần Thương khó. Trong vụ án này các ký lục, biệt phái, tư tế và dân chúng đứng lên chống đối Đức Giêsu, nộp Người cho quan Philatô, đòi kết án Người và đóng đinh Người vào thập giá. Đối phương của Đức Giêsu gây áp lực, uy hiếp quan tổng trấn buộc ông ra án tử hình cho Đức Giêsu. Người Do thái dùng bàn tay của chính quyền Rôma để giết Đức Giêsu, Người bị kết án tử hình do chính dân tộc mình.
Đức Giêsu là đệ nhất Ngôn sứ, Người đầy tớ tuyệt hảo của Thiên Chúa, là Đấng Mêsia. Hiểu được như vậy, chúng ta thấy cuộc phỏng vấn thăm dò sau đây của Đức Giêsu có tính điều tra xét hỏi. Đức Giêsu hỏi các môn đệ: “Người ta bảo Thầy là ai? … Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Ông Phêrô làm đại biểu thay cả nhóm trả lời: “Thầy là Đấng Kitô”. Nội dung của câu trả lời này vượt khỏi tâm trí và sự hiểu biết của ông Phêrô vì lời phát biểu nói về chân tướng Đấng Mêsia, bao hàm ý nghĩa chết chóc : “Con Người phải chịu đau khổ nhiều, bị các kỳ mục, thượng tế cùng kinh sư loại bỏ, bị giết chết và sau ba ngày sẽ sống lại” (x. Tin Mừng Mc, 8,27-35). Lúc nầy ông Phêrô không hình dung được Đấng Kitô phải chịu đau khổ và chịu chết, bởi vì trong tâm trí ông quan niệm một Đức Mêsia uy lực quyền thế theo nhãn quan nhân loại.
Cái thảm cảnh chết chóc u sầu đó được Đức Giêsu tuyên bố thẳng thừng không úp mở, Người nói về số phận của chính mình và cũng là số phận của Đấng Mêsia. Như thế Người đầy tớ của Thiên Chúa được nói đến trong sách ngôn sứ Isaia chính là hình ảnh và là gương mặt của Đức Giêsu, Đấng chấp nhận chịu chết để cứu chuộc muôn dân. Số phận chết chóc này là tin không vui cho những ai theo chân Đức Giêsu, ông Phêrô đã không đồng ý và đã can ngăn Đức Giêsu, nhưng Người không nhượng bộ mà còn khẳng định: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo” (c. 34).
Người Kitô hữu tin vào Đức Giêsu Kitô được yêu cầu sống đức tin của mình và tuyên xưng đức tin đó ra bên ngoài, đòi hỏi này được Thư Giacôbê minh định: “Tin mà không hành động theo đức tin, thì nào có ích lợi gì? Đức tin không có hành động là đức tin chết” (x. Bài Đọc 2. Gc 2, 14-18). Đức tin là sự chấp nhận sự thật về bản thân Đức Giêsu trong tâm hồn và thực thi ra bên ngoài qua hành vi luân lý, như vậy sống luân lý là cách diễn tả đức tin một cách thiết thực trong đời sống xã hội. Tin Thiên Chúa là Đấng chân thật, nên người tín hữu phải sống không dối trá; tin Thiên Chúa là vua tình yêu, cho nên phải yêu thương mọi người không phân biệt sang hèn. Đức tin phải đi liền với đức mến, tức hành động bác ái từ thiện, hành động mà không hy vọng thì vô nghĩa. Cho nên đức tin, đức cậy, đức mến là bộ ba đi liền nhau trong cuộc đời người Kitô hữu. Đó là ba nhân đức đối thần người Kitô hữu được trao ban ngày lãnh nhận phép Rửa tội.
‘Chúa chết’ là tin không vui lại là tin vui cho những ai được hưởng ơn cứu độ vì máu Đức Kitô có đổ ra, ơn cứu độ mới được trao ban cho nhân loại. Cho thấy lý do tại sao Giáo Hội công giáo cử hành lễ ‘giỗ’ của Đức Giêsu rất long trọng suốt cả Tuần thánh, đó là chóp đỉnh của phụng tự Kitô giáo.
Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã chấp nhận thân phận làm Người Đầy Tớ Đau Khổ để cứu độ trần gian, xin cho con biết chấp nhận những khó khăn trong đời thường để hiệp thông với sự đau khổ của Chúa làm nên ơn cứu độ trần gian . Amen

Lm. Luy Gonzaga NGUYỄN QUANG VINH
GX. ĐỨC AN – GP. KONTUM
GPKONTUM (13/9/2018) KONTUM

Thứ Năm, 13 tháng 9, 2018

Sinh Hoạt Trong Giờ Giáo Lý Và Giờ Hoạt Động

Ban Mục vụ Truyền thông Giáo phận Kontum xin giới thiệu tài liệu nói lên mối tương quan “Sinh hoạt trong giờ dậy giáo lý” trong đó có nội dung giáo huấn đức tin cần đặt trung tâm điểmđồng thời sinh hoạt tạo điểm nhấn cùng phối hợp giữa phương pháp truyền giảng và phương pháp hoạt động
XIN KÍNH MỜI
SINH HOẠT TRONG GIỜ GIÁO LÝ VÀ GIỜ HOẠT ĐỘNG
Giờ giáo lý sẽ đạt hiệu quả cao khi Huynh Trưởng, Giáo lý viên tạo được bầu khí sống động nhờ phối hợp giữa phương pháp truyền giảng và phương pháp hoạt động. Tuy nhiên, phải tránh biến buổi học giáo lý thành buổi sinh hoạt vui nhộn lấn át nội dung đức tin và bầu khí tôn giáo của lớp giáo lý. Vì thế, cần lưu ý chủ đích và những tính cách phải có trong sinh hoạt giáo lý.

Thứ Hai, 10 tháng 9, 2018

Épphatha : Hãy Mở Ra

Mùa Thường Niên Chúa Nhật 23 Năm B
Is 35,4-7; Gr 2, 1-5; Mc 7,31-37



ÉPPHATHA: HÃY Mở RA
Đức Giêsu chữa lành người câm và điếc trên đất miền Thập tỉnh, đất dân ngọai. Và cách chữa bệnh kỳ lạ của Người làm chúng ta suy nghĩ. (x. Bài Tin Mừng. Mc 7, 31-37). TRình thuật nầy muốn rao truyền sứ điệp gì ?

Trước hết bệnh câm và điếc được hiểu như biểu tượng con người đã chết, chiếc đầu lâu, chiếc sọ người, tiêu biểu cho sự chết chóc. Sống không có cảm thông và không giao lưu, đóng kín trong chính mình, sống mà như phỗng sành. Câm và điếc cũng được hiểu về những ngẫu tượng do con người sáng chế ra, các thứ ngẫu tượng được hình dung rồi nặn ra theo trí tưởng tượng phong phú của con người, tiên tri Isaia đã có lần chế nhạo các ngẫu thần vô tri vô giác nầy: “tượng thần chúng chỉ là vàng bạc, do tay người thế tạo thành, có mắt miệng không nhìn không nói, có tai mà chẳng thể nghe chi, không hơi thở nơi mồm nơi miệng!” (x. Is 44,9-20 tt: Tượng thần là hư vô).
Chữa lành người câm điếc, Đức Giêsu khẳng định quyền năng của mình trên sự chết, khẳng định mình là Chúa của sự sống. Dân ngoại lấy ngẫu tượng làm thần để tôn thờ, họ bái lạy vật chất, con người tạo ra các thứ thần thánh và gán cho chúng những quyền năng mà tự chúng không có. Thật ra con người vốn là “con vật” có tôn giáo, cho nên khi không biết chúa chân thật để tôn thờ, con người tạo ra thần thánh cho chính mình để đáp ứng nhu cầu tâm linh, điều nầy rất rõ nét nơi các bộ lạc miền thượng du Tây nguyên, không có sắc tộc nào mà không có thần thánh cho riêng cho bộ tộc mình, một khi biết được đạo thật họ từ bỏ tất cả các ngẫu thần đó để tôn thờ một Thiên Chúa mà thôi.
Việc Đức Giêsu chữa lành bệnh nhân câm điếc ngay giữa lòng dân ngọai thì chẳng khác nào Người khẳng định sự hư vô của ngẫu tượng và đồng thời khẳng định mình chính là Thiên Chúa thật sự toàn năng và biết nói. Việc làm nầy như nhắc lại lệnh truyền: Ngươi phải thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất mà thôi. Như thế chân lý “Thiên Chúa biết nói” là một mặc khải to lớn trong Cựu Ước so với các tôn giáo thờ ngẫu thần gỗ đá lúc bấy giờ. Thiên Chúa biết nói, tức biết đối thoại và cảm thông, Thiên Chúa đi vào tâm tình giao lưu với con người. Không những thế Thiên Chúa nhập thể vi hành vào trần gian và cứu chữa con người. Việc Đức Giêsu cứu độ nhất thời một vài bệnh nhân câm điếc là để mặc khải Người là Thiên Chúa biết nói, biết cảm thông, biết lằng nghe và cứu khổ nhân loại cơ cực .
Cách Đức Giêsu chữa bệnh cũng thật kỳ lạ. “Người kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Người ngước mắt lên trời, thở dài và nói: ‘Êpphata’ nghĩa là hãy mở ra!” (c.33-34). Đức Giêsu quan tâm đến thân phận bệnh nhân, Người đụng chạm đến người câm điếc và chữa lành anh ta, bằng một cử chỉ riêng tư, bằng một tiếp xúc trực tiếp, bằng một tương quan rất người, rất gần gũi giữa bệnh nhân và Thầy thuốc. Cử chỉ của Người như sự bảo vệ và che chở người hèn kém. Cử chỉ này soi sáng chúng ta hiểu được lời trong Thư Giacôbê: “Nào Thiên Chúa đã chẳng chọn những kẻ nghèo khó trước mặt người đời, để họ trở nên người giàu đức tin và thừa hưởng vương quốc Người đã hứa cho những ai yêu mến Người hay sao?” (x. Bài Đọc 2. Gc 2,1-5). Thiên Chúa không tây vị ai, người ban phúc lành cho cả dân ngoại. Qua phép lạ xảy ra nơi đất dân ngoại chúng ta hiểu được mọi dân tộc đều được mời vào hưởng sự sống mà Đức Giêsu đem đến. Thiên Chúa là Cha chung của mọi người, nhưng mỗi người có tương quan cá nhân với Người, riêng tư và trân trọng.
Trước đó sáu trăm năm, đã có lời sấm của tiên tri Isaia nói về thời kỳ huy hòang của Đấng thiên sai: “Chính Thiên Chúa sẽ đến cứu anh em. Bấy giờ mắt người mù sẽ mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai, miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (x. Bài Đọc 2. Is 35,4-7a). Thời kỳ đó đã khai mở với sự hiện diện của Đức Giêsu. Người đến như sự tái tạo vạn vật, lập lại trật tự bị tội lỗi làm cho đảo lộn. Tội lỗi luôn luôn gây ra sự đảo lộn nơi tâm hồn và ngoài xã hội. Những lời Đức Giêsu nói và những phép lạ Người làm chứng thực Người là Con Thiên Chúa, Đấng phải đến trong thế gian để cứu độ thế gian. Khi gặp được Đức Giêsu, con người dẹp bỏ các thần tượng khác, để chỉ tôn vinh một mình Người.
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy mở tai con để đón nhận lời hằng sống, xin hãy mở miệng con để con ca tụng và rao giảng việc lạ Chúa làm. Xin cho con biết lắng nghe người hèn yếu kêu xin và cho con biết mở miệng an ủi người sầu khổ. Amen
Lm. Luy Gonzaga NGUYỄN QUANG VINH
GX. ĐỨC AN – GP. KONTUM
GPKONTUM (08/9/2018) KONTUM

Ngày Gặp Gỡ Các Huynh Trưởng – Giáo Lý Viên 4.9.2018 – TỔNG KẾT Và NHẬN ĐỊNH

HỌP MẶT HUYNH TRƯỞNG-GIÁO LÝ VIÊN
GIÁO PHẬN KONTUM
Ngày 04/09/2018

Kết Thúc Ngày Gặp Gỡ Nhau – Gặp Gỡ Chúa Qua Giờ Chầu Thánh Thể
TỔNG KẾT & NHẬN ĐỊNH
Ngày 04/09/2018, tại Nhà Thờ Tân Hương, Giáo hạt Kontum, Giáo phận Kontum, có một cuộc hội ngộ hơn 325 anh chị em Huynh Trưởng Giáo Lý Viên trong toàn Giáo phận, ngoài ra còn có một số các Linh mục và Tu sĩ nam nữ cùng đồng hành trong cuộc hội ngộ này.

Thứ Hai, 27 tháng 8, 2018

Bỏ Thầy Con Biết Theo ai

                               Mùa Thường Niên Chúa Nhật 21 Năm B
                        Gs 24,1-2.15-17.18b; Ep 5, 21-32; Ga 6, 54a.60-69 



BỎ THẦY CON BIẾT THEO AI ?
Bất cứ cộng đòan nào cũng có những xáo trộn, những căng thẳng đưa đến khủng hoảng, những khủng hoảng có khi mở ra một lối thóat như cơ may đi lên cho cộng đòan, khủng hoảng được coi là tình thế bấp bênh trung lập, từ đó phát sinh một giải pháp tích cực cho cuộc sống. Trong thời Cựu Ước, đã xảy ra khủng hoảng đức tin giữa con cái Ítraen, họ đã họp đại hội Sikhem để xác định lập trường đức tin của họ, vụ việc xảy ra chừng một ngàn năm trước công nguyên.
Ông Giôsuê lãnh đạo dân Ítraen chiếm đất Canaan, phân chia đất đai cho mười hai chi tộc Ítraen và an cư lạc nghiệp cho toàn dân. Xảy ra xung đột giữa văn minh du mục rày đây mai đó và văn minh nông nghiệp định canh định cư, người Ítraen tiếp xúc với dân bản địa và đồng thời cũng biết thêm các thần minh thổ địa khác của vùng đất họ vừa chiếm đóng, thế là có sự phân tâm xao nhãng thờ phượng Đấng tối cao. Một số người tin vào Thiên Chúa, kẻ khác bái lạy thần linh thổ địa, vì thế ông Giôsuê quy tụ dân lại và cho họ tự do quyết nghị: “Hôm nay anh em cứ tùy ý chọn thần mà thờ hoặc là các thần cha ông anh em đã phụng thờ bên kia sông Cả, hoặc là các thần của người Emôri mà anh em đã chiến đất để ở. Về phần tôi và gia đình tôi, chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa” (x. Bài Đọc 1. Gs 24,1-2a.15-17.18b). Việc này cho thấy sự tự do trong tôn giáo là điều cần thiết làm nên giá trị đạo đức của hành vi tôn giáo.
Một ngàn năm sau lịch sử được lặp lại. Dân Ítraen gặp khủng hoảng khi nghe lời khẳng định của Đức Giêsu về bánh hằng sống: chính Người là bánh từ trời ban xuống, và phải ăn thịt và uống máu Người thì mới được sống đời đời. Dân chúng xầm xì bất mãn phản đối, nhưng Đức Giêsu quyết liệt và minh định rõ rệt: “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sự sống đời đời”. Đức Giêsu còn mặc khải về cái chết của Người là do môn đệ nộp Người. Khi nghe những lời quyết liệt ấy, “Lúc đó nhiều môn đệ rút lui, không đi theo Người nữa”. Đức Giêsu hờn dỗi và nói với Nhóm mười hai, họ là các cột trụ của Dân Ítraen mới: “Anh em cũng bỏ đi hay sao?” Ông Simôn Phêrô liền đáp: “Thưa Thầy, bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai? Thầy mới có những lời đem lại sự sống đời đời” (x. Bài Tin Mừng. Ga 6, 54a.60-69).
Lời tuyên xưng đức tin của Phêrô không phải là công thức được lập trình sẵn để đọc theo nghi thức tôn giáo, nhưng là lời tuyên tín hiện sinh đầy tự do, xác tín vào Đấng ban sự sống. Chính Thần khí đã soi sáng Phêrô làm sự lựa chọn đứng về phía Thiên Chúa hằng sống. Tin không phải là chấp nhận một mớ lý thuyết, nhưng là đón nhận con người Đức Giêsu, đón nhận và mô phỏng trong cách sống, cách suy nghĩ và cách hành xử của Đức Giêsu. Chính khi gặp khủng hoảng đức tin, Simôn Phêrô đã khai thông bằng một lời tuyên xưng vào chính Đấng ban sự sống; chính khi gặp nguy cơ thờ ma lạy quỷ mà đại hội Sikhem đã bật lên xác quyết: “Chúng tôi sẽ phụng thờ Đức Chúa, vì Người là Thiên Chúa của chúng tôi”.
Đức tin không phải chỉ là hành vi cá nhân đơn độc nhưng còn là hành vi của cộng đòan liên kết với nhau. Chính vì thế chúng ta có thể hiểu rằng khi tuyên xưng đức tin (Credo): “Tôi tin kính một Thiên Chúa”, lời tuyên tín rất cá nhân, nhưng thâm sâu, niềm tin cá nhân chảy từ niềm tin cộng đoàn. “Tôi tin” chảy từ “Chúng tôi tin”. Niềm tin cộng đoàn có trước niềm tin cá nhân. Nghĩa là đức tin cá nhân khơi nguồn từ đức tin cộng đoàn, được cộng đoàn nâng đỡ bảo vệ. Đức tin mang tính cá nhân nhưng không đơn độc, đức tin của cộng đoàn không làm cho đức tin cá nhân mất đi bản chất của mình, đức tin cộng đoàn không thay thế đức tin của cá nhân được. Có sự hổ tương tác dụng giữa “tôi tin” và “chúng tôi tin”. Đừng bao giờ bỏ rơi cộng đoàn bởi vì có Thiên Chúa ở giữa cộng đoàn.
Đức tin cá nhân nâng đỡ đức tin cộng đoàn và cá nhân cũng được chia sẻ đức tin của cộng đoàn. Đức tin là cây sự sống được trao ban ngày chịu phép Rửa tội, đức tin có thể phát triển hoặc chết ngộp tùy vào sự cộng tác của cá nhân. Năng lãnh nhận các phép bí tích nhất là bí tích Thánh thể, năng tham gia các sinh hoạt mục vụ như các việc tông đồ, từ thiện bác ái … tất cả như phân bón làm cho cây đức tin ngày càng phát triển và lớn mạnh, các sinh hoạt nầy đan dệt thành dây chằng ràng buộc cá nhân với Đức Giêsu Kitô, để rồi người tin hữu ngày càng ý thức và xác quyết thốt lên: “bỏ Ngài con biết theo ai”.
Lạy Chúa Giêsu, xin hãy làm cho con luôn bám víu vào Chúa trong bất cứ hòan cảnh nào và can đảm tuyên xưng đức tin như thánh Phêrô đã tuyên xưng: “Bỏ Thầy thì chúng con biết đến với ai ? Amen

Lm. Luy Gonzaga NGUYỄN QUANG VINH
GX. ĐỨC AN – GP. KONTUM
GPKONTUM (27/08/2018) KONTUM




Thứ Sáu, 24 tháng 8, 2018

Thầy Là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng Sống

LỜI CHÚA CHÚA NHẬT XXI NĂM B 
Bỏ Thầy Con Biết Theo Ai,
Thầy Là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa Hằng Sống


 

Thứ Sáu, 17 tháng 8, 2018

Thịt Và Máu

 Mùa Thường Niên Chúa Nhật 20 Năm B
Cn 9, 1-6; Ep 5, 15-20; Ga 6, 51-58


 THỊT VÀ MÁU
Bánh là chủ đề chung của các chúa nhật 17B đến 21B, các tác giả tin mừng đều tường thuật phép lạ Đức Giêsu hóa bánh ra nhiều, nhưng chỉ có tin mừng Gioan khai triển chủ đề bánh nuôi thân xác dẫn đến bánh hằng sống nuôi linh hồn con người. Trình thuật phép lạ hóa bánh ra nhiều nuôi đám đông dân chúng là tiền đề được dùng làm dấu chỉ để tác giả Gioan đi sâu vào chủ đề bánh hằng sống, tức là Phép Thánh Thể. Những lời quan trọng của Đức Giêsu về Phép Thánh Thể rất minh bạch không thể gây ngộ nhận, được phán ra qua bài tin mừng nầy (x. Ga 51-58).

Thứ Tư, 15 tháng 8, 2018

Maria, Thầy Dạy Đức Tin




Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời
Lời Chúa: Kh: 11,19a;12,1-6a.10ab; 1Cr: 15,20-27; Lc: 1,39-56



MARIA, THẦY DẠY ĐỨC TIN


Trong một đan viện nọ, có hai tu sỹ ngồi đàm đạo để cùng giúp nhau thăng tiến về đời sống thiêng liêng. Họ mở Kinh Thánh ra và cùng nhau chia sẻ. Đoạn Kinh Thánh được đọc lên, trích trong Tin mừng Luca chương 15, nói về dụ ngôn đứa con hoang đàng. Câu chuyên khá dài với nhiều tình tiết. Gấp sách lại, cả hai thinh lặng cầu nguyện và trao đổi. Một đan sĩ lên tiếng “Tôi không hiểu tại sao thằng bé này lại bỏ nhà đi hoang. Nó có một gia đình khá đầy đủ về vật chất. Hơn nữa, nó còn có một ông bố yêu thương nó hết lòng. Vậy tại sao nó lại thoát ly gia đình ?”. Suy nghĩ một lát, vị đan sĩ kia lên tiếng “Đứa bé này bỏ nhà đi bụi, vì trong ngôi nhà ấy vẫn vắng bóng một người mẹ”.
May mắn, chúng ta có một người Mẹ tuyệt vời là chính Đức Maria. Người vừa là hiền mẫu, vửa là Thầy dạy đức tin và cũng là đấng phù trợ chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin trần thế. Mừng lễ Mẹ lên trời hôm nay, Giáo hội cũng nhắc nhớ chúng ta hướng về người mẹ thiêng liêng và tuyệt diệu này. Đồng thời, chúng ta cũng nhìn về Đức Maria như là khuôn mẫu đức tin để noi theo.

Thứ Hai, 13 tháng 8, 2018

UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN Trực Thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam




UỶ BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN
Trực Thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam





I. LƯỢC SỬ HÌNH THÀNH
 1. Định hướng thành lập
      Uỷ ban Giáo lý Đức tin (UBGLĐT), trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam (HĐGMVN), được thành lập dựa vào Giáo Luật điều 775, § 3,  theo Chỉ Dẫn Tổng Quát Việc Dạy Giáo Lý (số 269) của Bộ Giáo Sĩ ban hành ngày 15-08-1997, và Thư gởi các Chủ tịch HĐGM (số 4) ngày 11-12-1990 của Đức Hồng Y Joseph Ratzinger, Tổng Trưởng Bộ Giáo Lý Đức Tin.

Thứ Bảy, 11 tháng 8, 2018

Thứ Sáu, 10 tháng 8, 2018

ĐTC tiếp kiến chung 08.08.2018: Ngẫu tượng luôn nô lệ hóa con người

                   ĐTC tiếp kiến chung 08.08.2018: Ngẫu tượng luôn nô lệ hóa con người

 
 NGUỒN: Vietvatican.net
 GPKONTUM (10/08/2018) KONTUM

Thứ Ba, 31 tháng 7, 2018

Bài Giảng Thánh Lễ Thêm Sức Ngày 29/07/2018 Của Đức Giám Mục Aloisio Tại Giáo Điểm Plơi Bố, huyện Ia Grai, tỉnh Gialai, Giáo Phận Kontum

Bài Giảng Thánh Lễ Thêm Sức Ngày 29/07/2018 Của Đức Giám Mục Aloisio 
Tại Giáo Điểm Plơi Bố, huyện Ia Grai, tỉnh Gialai, Giáo Phận Kontum 
  
GPKONTUM (31/07/2018)

Thứ Bảy, 28 tháng 7, 2018

Khóa Học Truyền Hình Và Editing Videos

Khóa Học Truyền Hình Và Editing Videos


với sự tham dự của 17 Linh mục, Chủng sinh và Nữ tu Việt Nam đang du học tại Hoa Kỳ tại Văn phòng VietCatholic Nam California từ ngày 15-21/7/2018 VietCatholic tổ chức và bảo trợ và với sự nâng đỡ của: Đức ông Phạm quốc Tuấn & Cha Nguyễn Quốc Dũng, CSsR Ban Giảng dạy: Cha Gioan Trần Công Nghị, Cha Bart. Nguyễn Đình Phước Các chuyên viên kỹ thuật và video editing: Anh Nguyễn Hóa, Anh Lê Sự, Anh Chị Phạm Thái Các chuyên viên chương trình TV: Anh Lưu văn Lễ và Anh Mai Tuấn, Thanh Lan, Thanh Thảo, cùng Nhóm Phóng Viên và XNV VietCatholic. 

Nguồn: VietCatholic Published on Jul 25, 2018
GPKONTUM (28/07/2018) KONTUM




Chủ Nhật, 15 tháng 7, 2018

Thánh Lễ Lãnh Nhận Hồng Ân Chúa Thánh Thần Tại Nt. Chư Ty – Giáo Hạt Chư Prông


Thánh Lễ Lãnh Nhận Hồng Ân Chúa Thánh Thần Tại Nt. Chư Ty – Giáo Hạt Chư Prông


Đức Cha mời gọi cộng đoàn phụng vụ cầu xin ơn Chúa xuống trên giáo họ Chư Ty này, trên gia đình của mỗi người và nhất là trên 53 bạn trẻ hôm nay lãnh bí tích Thêm Sức để làm chứng cho Giáo hội, làm chứng cho Chúa, làm chiến sĩ cho Chúa Kitô, chiến sĩ để bảo vệ đức tin cho mình, để giới thiệu Chúa cho người khác.
Thánh Lễ Lãnh Nhận Hồng n Chúa Thánh Thần Tại Nhà Thờ Chư Ty – Giáo Hạt chư Prông
“Hôm nay các con được lớn lên trong Ơn Huệ của Chúa, qua bí tích Thêm Sức để trở thành chứng nhân cho Chúa, chứng nhân trở nên người làm chứng; vậy phải làm chứng như thế nào?” Đức Cha đã đặt ra câu hỏi như trên dành cho cộng đoàn, cách riêng với 53 bạn trẻ lãnh nhận Ơn Chúa Thánh Thần trong giáo xứ nhân dịp Lễ Chúa Thánh Thần tại Nhà Thờ Chư Ty – Giáo Hạt Chư Prông vào lúc 9h30 sáng ngày 12/07 vừa qua.
Lúc 6 giờ 45 phút xe đã chuyển bánh rời TGM Kontum hướng về thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai. Từ Hàm Rồng theo quốc lộ 19, lúc 9giờ, Đức Giám mục đã đến nhà thờ mới xây dựng trong vòng 1 năm với công sức của toàn thể anh em giáo dân đóng góp, tọa lạc trên vùng đất gần 4000m2 tại thị trấn Chư Ty. Trước đây vào năm 1957 cha Đaminh Mai Ngọc Lợi đã đến quy tụ và xây dựng thành một giáo xứ có tên Đức Hưng tại vùng thị trấn này (năm 1958). Với chiến cuộc xảy ra khốc liệt, đoàn chiên dần dần di tản về thành lập Giáo xứ Đức Hưng tại huyện Chư Prông ngày nay.
Trên địa bàn huyện Đức Cơ ngày nay, ngoài giáo xứ dân tộc Plei Rơngol Khop vốn 100 năm, có thể nói, với sự an bài đầy tình thương của Chúa đúng 60 năm sau (1958-2018), tái lập lại giáo xứ Đức Cơ, phía đông giáp Huyện Chư Prông và tây giáp Campuchia nằm dọc quốc lộ 19 dài trên 46 cây số.
Đồng tế với Đức cha Aloisio có cha chính xứ Gioan Baotixita Nguyễn Chung, quý Cha trong Giáo Phận, quý tu sĩ và cộng đoàn hiệp dâng Thánh lễ để xin ơn Chúa Thánh Thần xuống tràn ngập trên các con em lãnh nhận Bí tích Thêm Sức cũng như trên chính mỗi người hiện diện.
Khởi đầu Thánh Lễ, ngay khi cha Gioan Baotixita Nguyễn Chung, SDB chính xứ Nhà Thờ Chư Ty – Giáo Hạt Chư Prông chào đón Đức Cha và Quý cha cũng như nói lời tri ân cảm ơn Đức Cha đến ban Ơn Chúa Thánh Thần cho 53 em trong đó có 38 em người Kinh và 15 em dân tộc trong giáo xứ. Vị cha chung là Đức Cha Aloisio Nguyễn Hùng Vị – Giám mục Giáo Phận Kontum đã ân cần chúc mừng các bạn trẻ lãnh nhận Bí tích Thêm Sức hôm nay và với ngôi thánh đường khang trang như mở ra một trang sử mới bắt đầu từ Huyện Đức Cơ cho đến biên giới Campuchia. Với khoảng cách địa hình xa xôi, khó khăn nhưng nay Giáo xứ đã có ngôi nhà thờ mới đầu tiên. Bên cạnh đó, Đức Cha đã mời gọi cộng đoàn trong giáo xứ hãy sống niềm tin của mỗi người vào Thiên Chúa và cầu xin Chúa tiếp tục ban ơn xuống trên giáo xứ này.
Qua bài Tin Mừng Đức Cha đề cao vai trò của Chúa Thánh Thần như “Chúa Thánh Thần được sai đến sau khi Chúa Giêsu về trời; Chúa Thánh Thần đến để hoàn tất công trình của Chúa Giêsu; Chúa Thánh Thần được gán cho vai trò là thánh hóa của Giáo Hội; Chúa Thánh Thần đang ở và hoạt động trong Giáo Hội; Chúa Thánh Thần là một Ngôi vị trong Ba ngôi Thiên Chúa, là Đấng thiêng liêng và khó hiểu nhất.
Đức Cha nói rằng “Những lần Đức Chúa Thánh Thần xuất hiện để cho người ta thấy ba dòng lịch sử cứu độ như: khi Chúa Giêsu được nhận phép rửa của Gioan Tẩy Giả tại sông Giođan. Chúa Thánh Thần xuất hiện dưới hình chim bồ câu. Chúa Thánh Thần mượn lấy hình đó và hôm nay trên ngực các em bản tên có in hình chim bồ câu để diễn tả Đức Chúa Thánh Thần. Không phải chim bồ câu là Chúa Thánh Thần nhưng Chúa Thánh Thần mượn lấy hình chim bồ câu, chim bồ câu hiền lành, dễ thương. Hai hình ảnh khác về Chúa Thánh Thần như ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống với các tông đồ dưới hình lưỡi lửa; lửa là nói lên lòng nhiệt thành, lòng yêu mến, lửa đốt cháy. Một hình ảnh khác diễn tả có lẽ gần gũi và đúng với vai trò của Chúa Thánh Thần hơn, đó như là hơi thở của Thiên Chúa. Khi Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với các Tông đồ, Ngài thổi hơi trên các môn đệ của Chúa và ngài nói: “Các con hãy lãnh nhận lấy Chúa Thánh Thần”. Chúa Thánh Thần như là một luồng hơi thở, một luồng khí nên người ta gọi Chúa Thánh Thần là thần khí của Thiên Chúa, Chúa Thánh Thần là Đấng như nguồn khí chúng ta không nhìn thấy nhưng rất quan trọng.” Đức Cha giải thích.
Đức Cha mời gọi cộng đoàn phụng vụ cầu xin ơn Chúa xuống trên giáo họ Chư Ty này, trên gia đình của mỗi người và nhất là trên 53 bạn trẻ hôm nay lãnh bí tích Thêm Sức để làm chứng cho Giáo hội, làm chứng cho Chúa, làm chiến sĩ cho Chúa Kitô, chiến sĩ để bảo vệ đức tin cho mình, để giới thiệu Chúa cho người khác.
Là những thụ nhân được lớn lên trong Ơn Huệ của Chúa, qua bí tích Thêm Sức để trở thành chứng nhân cho Chúa, trở nên người làm chứng nhân cho Giáo hội. Vậy phải làm chứng như thế nào? Để làm sáng tỏ cho câu hỏi này Đức Cha nhắn nhủ với cộng đoàn, cách riêng với 53 bạn trẻ rằng “mỗi một người chúng ta phải làm chứng cho Chúa bằng nhiều cách khác nhau. Có hai điểm này tôi xin giới thiệu với anh chị em là làm chứng cho Chúa bằng Đức Tin và Đức Mến”. Ngày xưa đạo Chúa mới đến trên quê hương Việt Nam chúng ta, người ta không biết đạo của chúng ta là đạo gì. Người ta nói đó là theo đạo của những người yêu thương nhau. Chúng ta thấy ông bà tổ tiên của chúng ta ngày xưa đã sống Lời Chúa biết yêu thương nhau và đã làm chứng cho Chúa bằng đời sống bác ái. Chúng ta được mời gọi làm chứng cho Chúa qua đời sống đức tin và đức mến.
Với từng mỗi người trong 53 bạn trẻ – Đức Cha ân cần “hôm nay chúng con sẽ được lãnh nhận ơn Chúa Thánh Thần để chúng con trở thành những chứng nhân cho Chúa. Đó là làm chứng cho Chúa qua đời sống thường ngày của chúng con; chúng con còn tuổi đi học, nên chúng con làm chứng cho Chúa ở nhà trường, bằng cách như chúng con yêu thương, giúp đỡ bạn bè và sống giữ luật của Chúa. Như thường ngày chúng ta thấy thời bây giờ ngoài xã hội cũng như ngay trong nhà trường sự gian dối nói lan tràn. Chúng con đi học, chúng con cố gắng làm tròn bổn phận của chúng con như Lời Chúa dạy. Cũng như với những người lớn là bậc cha mẹ – Đức cha nói “chúng ta cũng vậy không phải vì tiền bạc, lợi nhuận mà làm trái với lương tâm của chúng ta. Chúng ta tin vào Chúa và sống Lời Chúa dạy cho chúng ta. Bởi vậy chúng ta mỗi người trong môi trường sống của mình là phải làm chứng nhân cho hoàn cảnh ấy.”.
Trong phần Nghi thức ban Bí tích Thêm Sức, Đức Cha trang trọng mời các bạn trẻ chuẩn bị lãnh nhận bí tích Thêm Sức thắp nến lên Tuyên xưng đức tin, lặp lại lời hứa khi lãnh Bí tích Rửa Tội. Đức cha chủ sự công bố “Đó là đức tin của chúng ta, đó là Đức tin của Hội Thánh. Chúng ta hãnh diện tuyên xưng Đức tin ấy trong Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. Tiếp theo, Đức cha đặt tay trên 53 em sắp lãnh nhận Hồng n Chúa Thánh Thần và đọc lời nguyện ban Bí tích Thêm Sức.
Thánh lễ tiếp tục với phần Phụng vụ Thánh Thể trong bầu khí trang nghiêm.
Sau lời nguyện Hiệp lễ, một vị Phụ huynh đại diện cho các bạn trẻ vừa lãnh nhận Bí Tích Thêm Sức nói lên tâm tình tri ân Đức cha Aloisio, cha Gioan Baotixita, quý cha, quý thầy, quý sơ và mọi người đã quan tâm dạy dỗ, hướng dẫn và nâng đỡ để các em có đủ điều kiện lãnh Bí tích trong Thánh lễ hôm nay.
Thánh lễ kết thúc trong tâm tình hân hoan cảm tạ của toàn thể cộng đoàn phụng vụ. Cách riêng, với các bạn trẻ hôm nay, Đức Cha ước mong họ trở nên những chứng nhân của Tin Mừng Chúa Phục Sinh nơi miền đất truyền giáo Chư Ty nhờ vào đời sống đức tin và yêu thương.

PV. Để Rt Quốc
GPKONTUM (14/07/2018) KONTUM

Thứ Ba, 3 tháng 7, 2018

Curia Junior Giáo Hạt Pleiku Tổ Chức Hội Trại Hè 2018 Tại Giáo Xứ Tiên Sơn

HỘI TRAI HÈ 2018 TẠI GIÁO XỨ TIÊN SƠN GIÁO HẠT PLEIKU


Curia Junior giáo hạt Pleiku tổ chức hội trại hè 2018 tại giáo xứ Tiên Sơn trong 2 ngày 28-29/6, Cha Tađêô Võ Xuân Sơn là Cha Linh giám và cũng là trại trưởng, anh Thiên trưởng ban tổ chức, 143 trại sinh của 8 presidia trong đó có presidia của xứ Thanh Hà thuộc giáo hạt Chư Prông được Cha Linh giám Giacôbê Đặng Đinh Minh Thăng dẫn đoàn và nhiệt tâm sinh hoạt với hội trại. Khoảng 30 vị đồng hành gồm thầy Lành và thầy Nươi đang giúp xứ Tiên Sơn, các anh chị trưởng của các presidia, các khách mời thuộc hội đồng comitium, curia và chuyên trách giới trẻ comitium Pleiku.
Chủ đề ‘Đừng sợ” nhằm hướng trại sinh Junior gắn bó với Thầy Giêsu hơn để lan tỏa niềm tin Giêsu vào chính môi trường các em đang sống.

XIN CLICK VÀO ĐÂY

Thứ Hai, 28 tháng 5, 2018

Ghi Nhận Một Chuyến Đi

Trong khi chờ đợi đoạn Video Clip cũng như bài tường thuật đầy đủ nội dung hơn, ban Mục Vụ Truyền thông Giáo phận xin “Ghi Nhận Một Chuyến Đi” vào ngày 27/05/2018 tham dự Thánh Lễ Ban Bí tích Thêm sức của Đức Cha Aloisiô Giám mục Giáo phận Kontum tại Giáo xứ Hòa Phú,  Giáo hạt Chư Păh, Giáo phận Kontum. Ở đây chúng tôi xin ghi lại một vài kiểu hình và bài giảng chia sẻ giáo lý đức tin về Thiên Chúa Ba Ngôi và vai trò Chúa Thánh Thần trong lòng Giáo Hội và đặc biệt nơi các em chuẩn bị sẽ lãnh Bí tích Thêm sức được đầy tràn Ơn Chúa Thánh Thần để trở nên chứng nhân đức tin trong môi trường sống . 
           Từ Tòa Giám mục lúc  14 giờ 45 ngày 27/05/2018 xe Tòa Giám mục bắt đầu chuyển bánh hướng về Giáo xứ Hòa Phú, xã Phú Hòa cây số 22 trên quốc lộ 14.
Đến nửa đường bầu trời xậm tối và đổ mưa. Một số anh chị em dự lễ từ thành phố Pleiku ngược chiều về Nhà thờ Hòa Phú bị cơn mưa dữ dội. Ba anh chị trong ban mục vụ truyền thông phải nghỉ tránh mưa một vài lần, nhưng vì sợ bị trễ giờ nên phải đi trong cơn mưa gió và đã đến Nhà nguyện Đan Viện Cát Minh Thánh Giuse Kontum lúc  15 giờ 40, nghỉ ngơi và vào nhà nguyện viếng Chúa.
        16 giờ 15: Trễ mất 15 phút vì chờ tạnh mưa, Đức cha vào nhà thờ Hòa Phú cầu nguyện trước Thánh Thể và bắt đầu Thánh Lễ Ban Bí tích thêm sức cho 55 em thuộc giáo xứ sau 3 năm học hỏi và sống Lời Chúa. Đây là một biến cố  quan trọng trong toàn giáo xứ, mọi thành phần dân Chúa từ Cha xứ, đến các nữ tu, giáo lý viên, ban chức việc, các đoàn thể, từ các làng dân tộc xa cũng chuẩn bị và đến kịp thời gian dự lễ. Rất sốt sắng.
MỘT VÀI KIỂU HÌNH






                                                                                        GPKONTUM (28/05/2018) KONTUM

Chủ Nhật, 20 tháng 5, 2018

Cách Chiến Thắng Sự Quyến Rũ Của Ma Quỷ


Cách chiến thắng sự quyến rũ của ma quỷ






Chúng ta đừng gần gũi ma quỷ, cũng đừng nói chuyện với chúng. Ma quỷ là kẻ thua cuộc, nhưng rất nguy hiểm, vì rất giỏi quyến rũ. Ma quỷ tựa con chó hoang, nó sẽ cắn xé bạn nếu bạn gần gũi vuốt ve nó. Đức Thánh Cha chia sẻ như thế trong thánh lễ sáng nay tại nhà nguyện Marta.
Cẩn thận trước sự quyến rũ của ma quỷ
Có thể nói rằng, ma quỷ là kẻ thua cuộc nhưng rất nguy hiểm, vì ma quỷ có biệt tài quyến rũ con người. Ma quỷ biết cách dùng lời nào dùng cách nào để quyến rũ chúng ta, và khổ nỗi là chúng ta lại thường thích để cho ma quỷ quyến rũ.
Ma quỷ có khả năng quyến rũ rất tài tình. Điều này rất khó hiểu. Vì thực tế, ma quỷ là kẻ thua cuộc, nhưng lại có tài thể hiện làm như thể hắn có quyền lực to lớn. Hắn cũng có tài hứa hẹn cho bạn nhiều điều đẹp đẽ, hứa hẹn tặng bạn nhiều món quà. Những quà tặng ấy bên ngoài thì đẹp lắm: Ồ, đẹp quá! Nhưng bạn không biết được bên trong là cái thứ gì. Ma quỷ có tài làm như thế, vẻ bề ngoài thì rất đẹp. Ma quỷ có tài khoe ra cái vẻ bề ngoài, và che đậy cái gì là thực ở bên trong. Ma quỷ biết cách lợi dụng sự hư danh phù vân và ham vẻ hào nhoáng của chúng ta, để tác động lên sự tò mò hiếu kỳ của chúng ta.
Ma quỷ biết cách thể hiện bản thân, biết cách đưa ra những hứa hẹn giả dối. Còn chúng ta thì ngu muội và đi tin vào những điều ấy. Ma quỷ là cha của sự dối trá. Ma quỷ là kẻ thua cuộc nhưng luôn làm như thể hắn là kẻ chiến thắng. Vinh quang của ma quỷ rất hào nhoáng và rực rỡ, nhưng chỉ tựa như pháo hoa, bùng sáng rồi vụt tắt trong giây lát. Trong khi đó, vinh quang của Chúa thì dịu nhẹ và bền vững muôn đời.
Cầu nguyện, tỉnh thức và ăn chay
Ma quỷ quyến rũ chúng ta, biết cách chạm vào sự hư danh phù vân của ta, biết cách khơi dậy sự tò mò của ta, và thế là chúng ta sa vào cơn cám dỗ. Do đó, chúng ta phải rất cẩn thận với chước cám dỗ của ma quỷ. Để đối diện với cơn cám dỗ và chiến thắng cám dỗ, chúng ta hãy làm như Chúa Giêsu. Đó là tỉnh thức, cầu nguyện và ăn chay.
Đừng đến gần ma quỷ vì nó là con chó hoang
Cần có một thái độ là: đừng tiếp cận, đừng đến gần ma quỷ. Vì có một giáo phụ đã nói: ma quỷ giống như con chó giận dữ, ghê tởm, con chó bị xiềng xích, và nó sẵn sàng cắn xé ai đến vuốt ve nó.
Nếu tôi có suy nghĩ có ý muốn hoặc cách này cách khác muốn tiếp cận con chó giận giữ và bị xích ấy, thì hãy cẩn thận. Đừng làm như thế! Nếu làm, thì tôi sẽ bị thương trầm trọng. Nhưng mà ai gây nên vết thương? Kẻ gây ra chính là con chó. Nhưng con chó đang bị xích mà? Đúng thế, con chó đang bị xích, nhưng chính bạn đã chủ động tìm đến với nó. Và như thế, ma quỷ như con chó bị xích, bạn đừng bao giờ đến gần nó, cứ để nó bị xích ở đó.
Cuối cùng, cẩn thận, đừng có nói chuyện với ma quỷ, bởi vì Evà nói chuyện với ma quỷ và đã sa ngã. Chúa Giêsu thì khác, Người không thèm nói chuyện với ma quỷ. Trong sa mạc, Chúa đã đối lại ma quỷ bằng Lời của Thiên Chúa. Trong cuộc đời công khai, Chúa Giêsu đã xua trừ ma quỷ. Nhiều lần, ma quỷ hỏi tên của Chúa, nhưng Chúa không thèm đáp lại chúng. Còn chúng ta, chúng ta đừng nói chuyện đối đáp với ma quỷ, vì ma quỷ sẽ chiến thắng, vì ma quỷ thông minh hơn chúng ta.
Tìm nơi trú ẩn nơi Mẹ Thiên Chúa
Ma quỷ thường cải trang và giả dạng là thiên thần ánh sáng, nhưng kỳ thực hắn là thần bóng tối và thần chết chóc. Hắn là kẻ bị kết án. Hắn là kẻ thua cuộc, là kẻ bị xích và sắp chết, nhưng hắn lại có biệt tài dụ dỗ và lừa dối, và có khả năng gây ra chết chóc. Chúng ta cần cầu nguyện, cần sám hối, đừng gần gũi ma quỷ, đừng nói chuyện với chúng.
Chúng ta cần chạy đến với Mẹ Maria, như những người con bé nhỏ của Mẹ. Khi các em nhỏ sợ hãi, các em chạy về với Mẹ và gọi: “Mẹ ơi, mẹ ơi… con sợ!”. Khi các em nhỏ có những giấc mơ, các em cũng chạy đến với mẹ. Chúng ta hãy chạy đến với Mẹ Maria, Mẹ sẽ bảo vệ chúng ta. Các giáo phụ, đặc biệt là các nhà thần bí người Nga, đã nói rằng: trong lúc tâm hồn nguy khốn, hãy chạy đến dưới sự bảo trợ của Mẹ Thiên Chúa. Mẹ có thể giúp chúng ta chống trả các cơn cám dỗ, Mẹ sẽ giúp chúng ta chiến thắng con chó bị xiềng.


                                                                                                          Tứ Quyết SJ
                                                                                                 NGUỒN : Vietvatican.net
                                                                            GPKONTUM (20/05/2018) KONTUM



Đức Cha Aloisiô Dâng Lễ Cầu Cho Linh Hồn Cha Cố Tôma Nguyễn Văn Thượng

  Đức Cha Aloisiô Dâng Lễ Cầu Cho Linh Hồn Cha Cố Tôma Nguyễn Văn Thượng   18-04-2022 Hôm nay, Thứ Hai, ngày 18/4/2022, ngày thứ hai trong t...